Các khoản nợ của doanh nghiệp có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh với nhiều chủ thể khác nhau. Tuy nhiên hai chủ thể chủ yếu có thể phát sinh công nợ là cá nhân và pháp nhân. Việc phân biệt các đặc điểm của hai chủ thể này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể đưa ra phương án thu hồi nợ phù hợp. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra sự khác biệt của thu hồi nợ doanh nghiệp và thu hồi nợ cá nhân.

1. Quy mô khoản nợ

Hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp thường yêu cầu số vốn lớn và quy mô hơn để có thể đáp ứng các nhu cầu trong hoạt động kinh doanh. Tùy thuộc vào từng lính vực kinh doanh mà các Hợp đồng giữa các doanh nghiệp với nhau có thể có giá trị từ vài trăm đến vài chục tỷ đồng. Do đó, khoản nợ phát sinh từ các hợp đồng giữa các doanh nghiệp cũng sẽ có quy mô rất lớn.

Ngược lại, việc phát sinh giao dịch của cá nhân với doanh nghiệp thường là về quan hệ góp vốn hoặc mua bán nhỏ lẻ nên số vốn góp so với các doanh nghiệp với nhau sẽ nhỏ hơn rất nhiều. Do đó, các khoản nợ giữa doanh nghiệp và cá nhân có thể từ vài chục cho đến vài trăm triệu.

2. Đối tượng phát sinh khoản nợ

Với khoản nợ doanh nghiệp thì đối tượng sẽ là các doanh nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh và được thành lập theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp có thể là doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài với quy mô khác nhau. Các doanh nghiệp này thường có địa chỉ hoạt động rõ ràng, hoạt động với tư cách pháp nhân, nhân danh mình thực hiện hoạt động kinh doanh và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Việc thu hồi nợ với các đối tượng doanh nghiệp thường dễ dàng hơn vì chủ nợ có thể dễ dàng tra cứu thông tin của bên nợ doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động cần thiết.

Đối với khoản nợ cá nhân, các cá nhân có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài, có thể sinh sống tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Vì các bên nợ với tư cách cá nhân nên việc xác định thông tin cá nhân hoặc địa chỉ của họ thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vì thông thường các thông tin này không được công khai mà được Cơ quan Công An kiểm soát nghiêm ngặt dẫn đến việc tiến hành các biện pháp thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn.

3. Các biện pháp pháp lý có thể áp dụng

Đối với các bên nợ doanh nghiệp, do các khoản nợ phát sinh từ các quan hệ hợp đồng, thỏa thuận hợp pháp thuộc lĩnh vực dân sự nên doanh nghiệp có thể tiến việc thương lượng yêu cầu thanh toán qua email, điện thoại hoặc gửi công văn yêu cầu thanh toán. Trường hợp bên nợ không hợp tác thì chủ nợ có thể tiến hành khởi kiện dân sự đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để yêu cầu bên nợ phải trả nợ. Khi đã có Phán Quyết, Quyết định, Bản án của các cơ quan giải quyết tranh chấp thì Chủ nợ có thể nộp Đơn đề nghị thi hành án để yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tiến hành biện pháp cần thiết để buộc bên nợ phải trả tiền.

Đối với các bên nợ cá nhân, chủ nợ vẫn có thể tiến hành toàn bộ các công việc thu hồi nợ và khởi kiện dân sự như đối với thu hồi bên nợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xác định được bên nợ có hành vi gian dối trong giao dịch đủ điều kiện cấu hành tội hình sự thì chủ nợ có thể tiến hành việc gửi Đơn tố giác tội phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lừa đảo để yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền tiến hành quá trình Điều tra, nếu có đủ căn cứ xác minh hành vi phạm tội của đối tượng thì Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền sẽ tiến hành khởi tố vụ án, tiến hành truy tìm, xét xử và buộc bên nợ cá nhân phải chịu các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật và bổi thường cho doanh nghiệp.

Trên đây là bài viết về: “Sự khác biệt của thu hồi nợ doanh nghiệp và thu hồi nợ cá nhân” của luật sư TNTP. Mong rằng bài viết này có ích trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.

Tran trọng,