Trong cuộc sống thường ngày hay trong hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế, các khoản nợ luôn xuất hiện. Dù vậy, không phải lúc nào những khoản nợ cũng được trả đúng hạn. Những khoản nợ bị tồn đọng sẽ trở thành nợ xấu và làm trì trệ hoạt động của bên cho vay, khiến cho dòng tiền bị chậm lại và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Để tránh điều đó xảy ra, hoạt động thu hồi nợ đã ra đời, theo đó, bên thu hồi nợ đại diện cho bên có quyền tự ý áp dụng các biện pháp của mình để cưỡng chế bên nợ thanh toán khoản nợ. Tuy nhiên, do hoạt động thu hồi nợ một cách tự do dễ bị biến tướng và phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật nên Luật Đầu tư 2020 đã cấm dịch vụ thu hồi nợ tại Việt Nam. Việc cấm này liệu có hợp lý không? Thay vì cấm, có nên điều chỉnh hoạt động này bằng một luật cụ thể không? Để trả lời những câu hỏi pháp lý trên, bài viết này sẽ nêu ra sự cần thiết phải có Luật Thu hồi nợ tại Việt Nam.

1. Luật thu hồi nợ là xu hướng của các nước phát triển

 Nhìn rộng ra thế giới có thể thấy, xu hướng hiện tại trên toàn cầu là cho phép và kiểm soát việc thu hồi nợ thay vì cấm hoạt động này. Ở nhiều nước phát triển, các chính phủ đã hợp pháp hóa và kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu hồi nợ, ví dụ như: giới hạn thời gian, số lần gọi điện cho bên nợ trong ngày, không được lăng mạ, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của bên nợ. Nếu không thực hiện đúng, bên thu hồi nợ hoàn toàn có thể bị kiện bởi bên nợ.

Tại Việt Nam, Luật Đầu tư 2020 đã đi ngược lại xu hướng này. Cụ thể tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 đã cấm dịch vụ thu hồi nợ do những hệ quả tiêu cực mà ngành nghề này gây ra trong nhiều năm qua. Bên nợ bị gọi điện hàng chục lần từ sáng sớm cho tới tối muộn, bị công khai các thông tin cá nhân, bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bị các đối tượng “xã hội đen” đến tận nơi ở đe dọa sử dụng bạo lực và phá hoại tài sản, … Tuy nhiên, cấm hoàn toàn dịch vụ thu hồi nợ có phải hướng đi đúng? Việc xảy ra những hệ quả tiêu cực là do dịch vụ thu hồi nợ được hợp pháp hóa hay do chính sách kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan có thẩm quyền?

Thực tế cho thấy kể từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến việc thu hồi nợ vẫn tiếp tục diễn ra. Thay vì cấm hoàn toàn, nước ta có thể đưa thu hồi nợ trở lại là ngành kinh doanh và kiểm soát bằng một hàng rào pháp lý chặt chẽ hơn, cụ thể là bằng luật thu hồi nợ. Các nước phát triển đã làm được và vẫn kiểm soát tốt, vậy tại sao Việt Nam lại không thể?

2. Những lợi ích của thu hồi nợ

 Phần đông người dân cho rằng dịch vụ thu hồi nợ là nguy hiểm bởi những người thu hồi nợ thường biến tướng hoạt động này, dẫn đến những hành vi quá khích, bạo lực, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải lúc nào dịch vụ này cũng mang mặt xấu như vậy. Xét về lợi ích, hoạt động thu hồi nợ đạt hiệu quả cao hơn hẳn việc chủ nợ tự yêu cầu bên nợ thanh toán khoản nợ.

Các chủ nợ thường ngại việc khởi kiện tại Tòa án vì thời gian dài, thủ tục phức tạp. Nắm được tâm lý này, các bên nợ thường chây ỳ, trốn tránh trả khoản nợ vì không có cơ quan có thẩm quyền nào cưỡng chế. Lúc này, những tổ chức kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ có kinh nghiệm và nghiệp vụ sẽ đưa ra các biện pháp thích hợp để tạo áp lực, buộc bên nợ phải thanh toán khoản nợ. Nếu có luật thu hồi nợ, các biện pháp được áp dụng không vi phạm pháp luật nhưng vẫn đạt hiệu quả tốt trong việc thu hồi khoản nợ cho bên có quyền.

3. Giảm tải áp lực cho Cơ quan tư pháp

Trong những năm gần đây, hoạt động hòa giải đang được chú trọng phát triển để giảm tải áp lực cho các Cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan Thi hành án. Thế nhưng, việc hòa giải khi hai bên đang có mâu thuẫn với nhau không hề dễ dàng. Các cơ quan hòa giải còn thiếu hiểu biết pháp luật và gặp khó khăn trong việc đưa ra giải pháp thích hợp để thu hồi nợ. Thay vì vậy, tổ chức kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ hiểu rõ về lĩnh vực này nên sẽ dễ dàng hơn khi tư vấn biện pháp giải quyết nợ mà không cần phải tiến tới giai đoạn tố tụng.

Ngoài ra, nếu hòa giải thông qua các cơ quan hòa giải, việc thu hồi nợ vẫn có rủi ro là bên nợ không bắt buộc phải làm theo thỏa thuận trước đó, cơ quan hòa giải cũng không có thẩm quyền phải đốc thúc, theo dõi việc thực hiện cam kết của bên nợ. Như vậy, cuối cùng vẫn cần bên thu hồi nợ đứng ra để giúp bên có quyền theo dõi sát sao quá trình thanh toán khoản nợ của bên nợ. Trong trường hợp này, Luật thu hồi nợ hoàn toàn có thể quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ trong việc giúp các bên hòa giải và đốc thúc bên nợ thực hiện đúng cam kết của mình.

Ai cũng muốn thu hồi nợ hiệu quả và nhanh nhất. Nhưng chỉ có sự tham gia của các Cơ quan tài phán là chưa đủ. Vì vậy, Việt Nam cần có Luật Thu hồi nợ để hợp pháp hóa dịch vụ thu hồi nợ. Ai được kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ? Cá nhân hay pháp nhân? Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của việc thu hồi nợ là gì? Những hoạt động thu hồi nợ nào được cho phép? Những hành vi nào bị cấm? Thời gian và số lần được gọi điện, liên hệ với bên nợ? Quyền hạn, nghĩa vụ của các bên liên quan và các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra, xử phạt hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật? Vi phạm trong việc thu hồi nợ có thể dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Chỉ cần Luật thu hồi nợ có những chế định đủ chặt chẽ và hợp lý, công tác kiểm tra diễn ra thường xuyên thì đây sẽ đem lại giá trị to lớn cho cả xã hội và nền kinh tế của Việt Nam.

Trân trọng,