Trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp luôn luôn có khả năng phát sinh công nợ – một hậu quả tất yếu khi bên vay tiền hoặc một giá trị tài sản nhưng không trả đúng thời hạn hoặc số lượng cho chủ nợ. Khi đó, các chủ nợ thường sử dụng các dịch vụ thu hồi nợ để khôi phục khoản nợ từ phía bên nợ. Tuy nhiên, các hoạt động thu hồi nợ hợp pháp tại Việt Nam hiện nay không thực sự hiệu quả bởi sự hạn chế trong quy định của pháp luật. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra những quan điểm về sự cần thiết phải có Luật thu hồi nợ tại Việt Nam.
1. Thực tiễn hoạt động thu hồi nợ tại Việt Nam
Trước khi Luật đầu tư 2020 có hiệu lực, dịch vụ đòi nợ là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều công ty thu hồi nợ chủ yếu áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo kiểu “xã hội đen” nhằm uy hiếp tinh thần và đe dọa để buộc bên nợ phải thanh toán cho chủ nợ.
Sau khi Luật đầu tư 2020 có hiệu lực đã đưa hoạt động “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh, hàng loạt các công ty thực hiện hoạt động thu hồi nợ được thành lập trước đó đều phải chấm dứt hoạt động. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ duy nhất các văn phòng Luật có khả năng tiến hành các hoạt động thu hồi nợ hợp pháp với các biện pháp thu hồi nợ ôn hòa hơn như: Thương lượng, khởi kiện ra Toà án theo thủ tục tố tụng, hoặc tố cáo lên cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền nếu xác định bên nợ có điều kiện nhưng không thanh toán, hoặc xác định được bên nợ có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.
Về mặt pháp luật, việc cấm hoạt động Kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo hình thức “xã hội đen” là hợp lý vì có thể đảm bảo trật tự xã hội và góp phần vào một xã hội văn minh hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tính hiệu quả của việc uy hiếp, đe dọa bên nợ khi các hình thức này tác động trực tiếp vào tâm lý, thậm chí là và thể chất khiến bên nợ phải chịu áp lực, sợ hãi, và khiến việc thu hồi nợ trở nên nhanh chóng và hiệu quả. Các chủ nợ thường không hấp dẫn với các phương án ôn hòa và tuân thủ pháp luật như thương lượng hay khởi kiện tại Tòa án vì các phương án này thường có thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian, không đem lại giá trị kinh tế đối với các chủ nợ.
2. Sự cần thiết của Luật thu hồi nợ
Tại một số quốc gia trên thế giới, hoạt động thu hồi nợ vẫn được pháp luật cho phép nhưng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mới có thể hoạt động. Có thể lấy ví dụ như Đạo luật thu hồi nợ Công bằng – FDCPA của Hoa Kỳ.
Bản chất của FDCPA là đưa ra các quy định để ràng buộc những hành vi của những bên thứ ba thực hiện dịch vụ thu hồi nợ, theo đó, bên thực hiện dịch vụ thu hồi nợ thay cho chủ nợ bắt buộc phải đảm bảo không xâm phạm đến quyền công dân và các quyền khác mà bên nợ được pháp luật bảo vệ. Các quy định cụ thể gồm:
– Điều kiện khi bên nợ gọi điện thoại:
- Phải công khai thông tin của bên thu hồi nợ và chủ nợ trước khi đưa ra yêu cầu;
- Chỉ được phép gọi điện trong thời gian từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối;
- Không được sử dụng ngôn từ xúc phạm hoặc đe doạ bên nợ.
-Quy định về việc cung cấp thông tin của bên thu hồi nợ
- Trước khi yêu cầu bên nợ thanh toán, bên thu hồi nợ phải thông báo về họ, tên người thu hồi nợ, tổ chức thu hồi nợ đang hoạt động;
- Số tiền bên nợ phải thanh toán;
- Họ, tên, thông tin cụ thể của chủ nợ.
– Các quy định cấm
- Cấm sử dụng các hình thức hoặc hành vi lạm dụng, gây phiền nhiễu đến bên nợ;
- Cấm việc công khai thông tin về khoản nợ của bên nợ cho những bên khác ngoài chủ nợ và bên nợ.
Những kinh nghiệm nêu trên của FDCPA hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam, vì khi Hoạt động thu hồi nợ được kiểm soát bằng những quy định cụ thể, rõ ràng thì hoạt động thu hồi nợ sẽ trở nên văn minh, đảm bảo được quyền lợi của bên nợ và duy trì được trật tự, ổn định xã hội. Đồng thời, một khi hoạt động thu hồi nợ trở nên hiệu quả sẽ khai thông dòng tiền vốn bị ngưng trệ do các khoản nợ xấu phát sinh, và là một động lực để phát triển nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh nước ta đang khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19, và rất nhiều khoản nợ phát sinh trong xã hội do ảnh hưởng của đại dịch.
Trên đây là chia sẻ kiến thức pháp lý của TNTP về sự cần thiết phải có Luật thu hồi nợ tại Việt Nam. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho công việc của các độc giả.
Trân trọng.
Có thể bạn chưa đọc Giới thiệu về đạo luật thực hành đòi nợ công bằng – FDCPA
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
Tầng 6, Số 200 Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com