Khi soạn thảo hợp đồng vận chuyển tài sản, tùy vào vị trí của các bên trong hợp đồng mà các bên sẽ lựa chọn quy định những điều khoản có lợi và đảm bảo lợi ích cho mình, trong đó bao gồm điều khoản quyền và nghĩa vụ của các bên, sự kiện bất khả kháng, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Trong bài viết kỳ này, TNTP sẽ phân tích những nội dung mà các bên cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng vận chuyển tài sản đối với các điều khoản nêu trên.

1. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vận chuyển tài sản

Các bên cần thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng về quyền và nghĩa vụ của từng bên trên cơ sở quy định của pháp luật. Các bên có thể tham khảo về quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển, bên thuê vận chuyển, bên nhận tài sản như sau:

1.1. Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển

• Quyền: Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác; Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng; Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn; Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.

• Nghĩa vụ: Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn; Giao tài sản cho người có quyền nhận; Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản; Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật; Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản.

1.2. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển

• Quyền: Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận; Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.

Bên thuê vận chuyển cần thỏa thuận rõ về việc bên vận chuyển phải là người trực tiếp vận chuyển tài sản hay có thể ủy thác việc vận chuyển tài sản cho bên thứ ba. Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ nếu bên vận chuyển ủy thác cho bên thứ ba vận chuyển tài sản, bên thứ ba này lại ủy thác cho bên khác vận chuyển tài sản,… thì thời gian vận chuyển bị ảnh hưởng và tài sản có thể bị hư hỏng vì phải trải qua nhiều đơn vị vận chuyển. Đặc biệt, khi phát sinh các vấn đề liên quan đến tài sản như tài sản bị hư hỏng,… bên thuê vận chuyển sẽ gặp khó khăn trong việc yêu cầu bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm vì có nhiều bên vận chuyển và xác định lỗi cụ thể của các bên này tương đối phức tạp,…

• Nghĩa vụ: Trả đủ tiền phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận; Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển; Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận, trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.

1.3. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận tài sản

• Quyền: Kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến; Nhận tài sản được vận chuyển đến; Yêu cầu bên vận chuyển thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do phải chờ nhận tài sản nếu bên vận chuyển chậm giao; Yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hư hỏng.

• Nghĩa vụ: Xuất trình cho bên vận chuyển vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác và nhận tài sản đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận; Chịu chi phí xếp, dỡ tài sản vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác; Thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do việc chậm tiếp nhận tài sản; Trường hợp bên nhận tài sản là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định thì phải thông báo cho bên thuê vận chuyển về việc nhận tài sản và thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển.

2. Sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển tài sản

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả kháng cho phép. Theo Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Mặt khác, theo Điều 294 Luật Thương mại 2005, sự kiện bất khả kháng là một trong những trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên bị vi phạm biết, nếu không thông báo hoặc thông báo không kịp thời thì phải bồi thường thiệt hại.

Thực tế, công việc vận chuyển tài sản có thuận lợi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Đôi khi, vì sự kiện bất khả kháng xảy ra đã dẫn đến việc các bên không thể thực hiện nghĩa vụ của mình. Và sự kiện bất khả kháng là một trong những trường hợp được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, các bên nên thỏa thuận rõ trong hợp đồng về nội dung điều khoản này, thậm chí các bên cũng có thể thỏa thuận về việc chia sẻ rủi ro của các bên khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, mà không phải bên vận chuyển được miễn toàn bộ trách nhiệm.

3. Phạt vi phạm

Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm (Khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015). Mặt khác, theo Điều 300 Luật Thương mại, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chế tài phạt vi phạm sẽ chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận. Do vậy, các bên nên quy định phạt vi phạm vào hợp đồng nếu thấy cần thiết, ví dụ như phạt vi phạm đối với các hành vi: giao tài sản không đúng thời hạn, thanh toán không đúng thời hạn,…

4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hợp đồng vận chuyển tài sản

Đây là điều khoản mà bên thuê vận chuyển cần đặc biệt lưu ý và cần quy định trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của mình khi bên vận chuyển làm mất hoặc làm hư hỏng tài sản. Cụ thể, bên thuê vận chuyển cần quy định chi tiết, cụ thể về tài sản vận chuyển, giá trị tài sản vận chuyển và mức bồi thường trong trường hợp tài sản bị mất hoặc hư hỏng, phương thức xác định mức độ hư hỏng của tài sản, việc chi trả tiền bồi thường,… Ví dụ, đối với tài sản bị mất thì bồi thường bằng giá trị tài sản đã được quy định trong hợp đồng; đối với tài sản bị hư hỏng thì bồi thường bằng mức chênh lệch giữa giá trị tài sản đã được quy định trong hợp đồng và giá trị còn lại của tài sản.

Bên vận chuyển nên thỏa thuận về việc bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

Ngoài các điều khoản nêu trên, khi soạn thảo hợp đồng vận chuyển tài sản, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng về các điều khoản sau: Phương thức vận chuyển; Đơn phương chấm dứt hợp đồng; Giải quyết tranh chấp;…

Có thể thấy, trong quá trình soạn thảo hợp đồng vận chuyển tài sản, các bên cần phải chú ý, quan tâm đến nhiều nội dung. Trên đây là nội dung bài viết “Soạn thảo điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển tài sản” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề nào cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,