Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, vấn đề liên quan tới thanh toán như thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán là một trong những vấn đề các bên quan tâm. Tuy nhiên không phải lúc bên có nghĩa vụ thanh toán cũng thực hiện việc thanh toán theo đúng như đã thỏa thuận trước đó. Việc chậm thanh toán trong thực hiện hợp đồng sẽ làm phát sinh những hậu quả pháp lý nhất định, trong đó có phải kể tới là phát sinh tiền lãi do chậm thanh toán. Vấn đề đặt ra là chủ thể nào có quyền yêu cầu tiền lãi trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm thanh toán, sau đây là phần giải đáp của chúng tôi về vấn đề này.

1. Tiền lãi do chậm thanh toán

  • Tiền lãi do chậm thanh toán là khoản tiền lãi phát sinh mà bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm hợp đồng khi đến thời hạn thanh toán mà bên vi phạm hợp đồng không thực hiện hiện nghĩa vụ thanh toán như đã cam kết;
  • Nghĩa vụ trả tiền phát sinh từ sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và từ quy định của pháp luật. Theo đó, một bên khi tham gia vào hoạt động mua bán, sử dụng các dịch vụ thì sẽ có nghĩa vụ trả cho bên còn lại một số tiền mà trước đó đã thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ về số tiền phải trả thì sẽ xác định số tiền phải trả theo giá thị trường tại thời điểm các bên giao kết, thực hiện hợp đồng;
  • Trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn trả tiền mà bên có nghĩa vụ trả tiền không thực hiện trả tiền theo đúng thời hạn thì bên còn lại sẽ có quyền yêu cầu bên mà đã không thực hiện nghĩa vụ trả tiền phải trả một khoản tiền lãi do đã chậm thanh toán. Mặt khác trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về thời hạn trả tiền thì lúc này thời hạn trả tiền sẽ được xác định từ khi bên có quyền thông báo cho bên có nghĩa vụ trả tiền trong một khoảng thời gian hợp lý.

2. Quyền yêu cầu tiền lãi chậm thanh toán

Theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán được xác định như sau:

  • Về chủ thể: Chủ thể có quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán được xác định là bên bị vi phạm hợp đồng. Trường hợp bên bị vi phạm ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thay mình thực hiện quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán thì lúc này cá nhân, tổ chức đó sẽ được xác định là chủ thể của quyền này.

Trong trường hợp bên bị vi phạm hợp đồng là cá nhân chết thì người thừa kế của bên bị vi phạm quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán của bên vi phạm kể từ thời điểm mở thừa kế theo quy định tại Điều 614 Bộ luật dân sự 2015.

Những người có quyền yêu cầu tiền lãi chậm thanh toán là những người thừa kế của bên bị vi phạm theo di chúc hoặc theo pháp luật.

  • Về căn cứ phát sinh: Bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hoặc chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác do bên bị vi phạm. Chậm thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác được hiểu là bên vi phạm đã không thực hiện việc thanh toán theo như đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng.

Ví dụ: Công ty TNHH A ký hợp đồng mua 300 tấn gạo của công ty Cổ phần B với giá là 255,3 triệu. Hai bên thỏa thuận thời hạn thanh toán là sau 30 ngày kể từ ngày bên B giao hàng. Tuy nhiên đến ngày 60 phía công ty A vẫn chưa thanh toán cho bên B. Trong trường hợp này bên A đã vi phạm hợp đồng, chậm thanh toán với bên B 30 ngày so với thời hạn thanh toán đã thỏa thuận trước đó.

Chi phí hợp lý khác là các chi phí mà bên bị vi phạm đã bỏ ra để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng, và quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Trong đó có thể kể đến như chi phí mua nguyên liệu, vật liệu, tiền phụ cấp, tiền thưởng…Tiền lãi  chậm thanh toán là quyền của bên bị vi phạm cho nên bên vi phạm sẽ chỉ phải trả số tiền lãi khi bên bị vi phạm có yêu cầu.

  • Lãi suất chậm trả: là mức lãi suất tính trên số tiền nợ gốc chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Về cơ bản các bên sẽ có quyền thỏa thuận về mức tiền lãi do chậm thanh toán, tuy nhiên không được vượt mức lãi suất theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về tiền lãi chậm thanh toán thì lãi suất chậm trả được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường quy định tại Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ – HĐTP, mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường được xác định bằng mức lãi suất quá hạn của ít nhất 03 Ngân hàng thương mại và các Ngân hàng thương mại này trên phải có trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở. Số tiền lãi do chậm thanh toán sẽ được xác định tại thời điểm thanh toán và tương ứng với thời gian chậm trả. Thời gian chậm trả sẽ dựa vào sự thỏa thuận của các bên về thời hạn thanh toán trong hợp đồng.

Chẳng hạn trong ví dụ nêu trên thì công ty TNHH A đã chậm thanh toán cho công ty Cổ phần B 30 ngày so với thời hạn thanh toán trong hợp đồng, trong trường hợp này 30 ngày này sẽ được xác định là thời gian chậm trả.

Trên đây là bài viết “Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán theo quy định của Luật Thương mại”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.