Quyền đòi nợ với ý nghĩa bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền đã ngày càng được coi trọng do sự phổ biến của nó và đáp ứng nhu cầu thuận tiện lưu thông trong các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại… Bài viết sau đây TNTP sẽ giải đáp những thắc mắc của các độc giả liên quan đến chủ đề này.

1. Khái niệm

Quyền đòi nợ là một quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015, Quyền tài sản lại là một trong bốn loại tài sản bao gồm: Vật chất, tiền, Giấy tờ có giá và các quyền tài sản.

Đây là một quyền dân sự của chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, giúp bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với mình. Có thể hiểu quyền đòi là quyền mà bên có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả một khoản tiền hoặc vật, bao gồm khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán và quyền yêu cầu khác phát sinh từ hợp đồng hoặc do pháp luật quy định.

Có thể thấy quyền đòi nợ là một tài sản đặc biệt, thể hiện dưới dạng vô hình và chỉ có hiệu lực ràng buộc đối với bên có nghĩa vụ trong trường hợp các bên có giao kết giao dịch dân sự, bên có nghĩa vụ chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán khoản nợ. Trong trường hợp khoản nợ đã được thanh toán, quyền đòi nợ của bên có quyền cũng sẽ chấm dứt.

2. Quy định của pháp luật 

2.1 Chuyển giao quyền đòi nợ

Theo quy định của pháp luật Quyền đòi nợ là một quyền về tài sản, theo đó bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả nợ hoặc có quyền yêu cầu Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc bên bên có nghĩa vụ phải trả nợ.

Quyền đòi nợ là một quyền được phép chuyển giao theo quy định về chuyển giao quyền yêu cầu, khi đó bên nhận thế quyền sẽ là bên có quyền đòi nợ đối với bên có nghĩa vụ trả nợ.

Việc chuyển giao quyền đòi nợ sẽ theo các quy định sau:

Về chuyển giao:

Điều 365 “Bộ luật dân sự năm 2015” quy định về việc Chuyển giao quyền yêu cầu:

“Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận…

Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao cho người thế quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu…”

Những quyền yêu cầu sau đây không được chuyển giao:

  • Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
  • Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận là không được chuyển giao quyền yêu cầu;
  • Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bên có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện:

Điều 369 Bộ luật Dân sự có quy định: Quyền từ chối của bên có nghĩa vụ:

“Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh được tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.

Trường hợp Bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình”.

2.2 Mua bán quyền đòi nợ

Quyền đòi nợ còn xác định là đối tượng mua bán trong hợp đồng mua bán giữa các bên. Tại Điều 450 Bộ luật Dân sự cũng quy định về việc Mua bán quyền tài sản thì Quyền đòi nợ là một quyền tài sản được đem ra để mua bán. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã kinh doanh hoạt động mua bán nợ.

2.3 Thế chấp quyền đòi nợ

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thế chấp từ Điều 317 đến Điều 327 về thế chấp tài sản thì Quyền đòi nợ là một tài sản nên được quyền thế chấp tài sản theo quy định của Bộ luật này. Quyền đòi nợ được đem thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác trong hệ thống các văn bản pháp luật về Đăng ký giao dịch bảo đảm.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây của TNTP, bạn đọc có thể có được cái nhìn tổng quan về khái niệm và những quy định của pháp luật về quyền đòi nợ.

Trân trọng,