Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, xu thế sử dụng quyền đòi nợ trong các giao dịch kinh doanh thương mại ngày càng gia tăng. Quyền đòi nợ đang ngày càng được coi trọng do sự phổ biến của nó và đáp ứng nhu cầu thuận tiện lưu thông trong các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại… Trong bài viết sau đây luật sư của TNTP sẽ giải đáp cho độc giả những thắc mắc xoay quanh vấn đề quyền đòi nợ và chuyển giao quyền đòi nợ.

1. Quyền đòi nợ là gì?

Theo quy định của pháp luật quyền đòi nợ là một quyền về tài sản. Quyền đòi nợ là một quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Quyền tài sản lại là một trong bốn loại tài sản theo quy định hiện hành Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể: Tài sản bao gồm: Vật chất, tiền, Giấy tờ có giá và các quyền tài sản.

Quyền đòi nợ là một quyền dân sự của chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, giúp bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với mình. Quyền đòi nợ được sử dụng để yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả tài sản phát sinh từ hợp đồng hoặc sự kiện pháp lý hoặc do pháp luật quy định. Đối tượng của quyền đòi nợ là một khoản nợ, theo đó nó mang tới cho người chủ sở hữu quyền đòi nợ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ tài chính đối với bên có quyền. Theo nghĩa rộng, quyền đòi nợ được hiểu là quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả một khoản tiền hoặc vật, bao gồm khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán và quyền yêu cầu khác phát sinh từ hợp đồng hoặc sự kiện pháp lý hoặc do pháp luật quy định.

Dưới góc độ pháp luật tài sản, Quyền đòi nợ là một quyền tài sản tương đối, đó là quyền chỉ có hiệu lực ràng buộc đối với chủ thể có nghĩa vụ. Hay nói cách khác chủ thể có quyền đòi nợ chỉ có thể thỏa mãn quyền của mình thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của chủ thể khác (chủ thể mang nghĩa vụ luôn được xác định cụ thể).

2. Quy định của pháp luật về chuyển giao quyền đòi nợ

Trên thực tế, không phải cá nhân, tổ chức nào cũng sở hữu bất động sản, tài sản hữu hình để thực hiện các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, hiện nay họ có thể học có thể sử dụng quyền đòi nợ (một dạng tài sản vô hình) để thực hiện các giao dịch như mua bán, thế chấp, chuyển giao và các giao dịch khác đối với quyền đòi nợ. Mặt khác, trái với quan niệm trước đây luôn coi trọng bất động sản, tài sản hữu hình và xem nhẹ vai trò của động sản, ngày nay các động sản vô hình như quyền đòi nợ có giá trị ngày càng cao, thậm chí chiếm phần lớn sản nghiệp của cá nhân, tổ chức.

Theo quy định của pháp luật thì Quyền đòi nợ là một quyền về tài sản, theo đó bên có quyền đòi nợ có thể yêu cầu bên mắc nợ phải trả nợ hoặc có quyền yêu cầu Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc bên mắc nợ phải trả nợ, đây là một quyền yêu cầu hợp pháp.

Quyền đòi nợ là một quyền yêu cầu do đó được phép chuyển giao theo quy định về chuyển giao quyền yêu cầu, khi đó bên nhận thế quyền sẽ là bên có quyền đòi nợ đối với bên có nghĩa vụ trả nợ. Do quyền đòi nợ là một loại tài sản, nên chủ thể của quyền đòi nợ được quyền định đoạt quyền đòi nợ cho chủ thể khác theo cách thức và thông qua các hình thức giao dịch như mua, bán, tặng, cho, trao đổi, thừa kế, thế chấp…Việc chuyển giao quyền đòi nợ có liên hệ chặt chẽ với việc chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ dân sự. Theo đó, bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận. Việc chuyển giao quyền sở hữu quyền đòi nợ cũng có sự khác biệt so với chuyển giao quyền sở hữu các tài sản khác. Nếu như đối với các loại tài sản hữu hình khi chuyển giao sẽ phải bàn giao tài sản hiện hữu cho bên nhận chuyển giao thì đối với quyền đòi nợ, bên chuyển giao chỉ có thể bàn giao cho bên nhận chuyển giao các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ đó là các văn bản, giấy tờ, hợp đồng đã được ký kết.

Việc chuyển giao quyền đòi nợ sẽ theo các quy định sau:

• Về chuyển giao:

Điều 365 “Bộ luật dân sự năm 2015” quy định về việc Chuyển giao quyền yêu cầu:
“Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận…
Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao cho người thế quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu…”

• Những quyền yêu cầu sau đây không được chuyển giao:

+ Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
+ Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận là không được chuyển giao quyền yêu cầu;
+ Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Tuy nhiên người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

• Bên có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện:

Điều 369 Bộ luật Dân sự có quy định: Quyền từ chối của bên có nghĩa vụ:

“Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh được tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.
Trường hợp Bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình”.

Việc hiểu rõ về quyền đòi nợ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thiết lập và thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền đòi nợ. Hy vọng với những chia sẻ trên đây của luật sư TNTP, bạn đọc có thể có được cái nhìn tổng quan về khái niệm về quyền đòi nợ và những quy định của pháp luật về chuyển giao quyền đòi nợ.

Trân trọng,