Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp mà theo đó các bên tranh chấp sẽ cùng nhau tiếp xúc, tìm hiểu, dàn xếp, nhượng bộ để tháo gỡ những bất đồng phát sinh nhằm loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào. Vậy, phương thức này có những ưu điểm và hạn chế gì? Hãy cùng TNTP tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I. Khái niệm phương thức thương lượng giải quyết tranh chấp

Căn cứ quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005 thì thương lượng giữa các bên là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại, cùng với các hình thức khác như hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án.

Theo đó, có thể hiểu thương lượng là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp sẽ cùng nhau tiếp xúc, tìm hiểu, dàn xếp, nhượng bộ để tháo gỡ những bất đồng phát sinh nhằm loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thì thương lượng được coi là là phương thức phổ biến nhất và hiệu quả nhất hiện nay.

II. Đặc điểm của phương thức thương lượng giải quyết tranh chấp

  • Các bên tranh chấp đã quen biết nhau, đã trải qua một quá trình hợp tác kinh doanh, thương mại, đã có quan hệ pháp lý ràng buộc. Trước khi tranh chấp xảy ra có thể các bên đã có một quá trình đàm phán để đạt được thỏa thuận. Tranh chấp là những sự kiện có thể xảy ra mà các bên không mong muốn, do đó việc thương lượng để nối lại quá trình hợp tác là có lợi cho cả hai bên.
  • Trường hợp tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng, việc thỏa thuận của các bên phụ thuộc vào các quy định trong hợp đồng và pháp luật có liên quan. Thỏa thuận của các bên chủ yếu liên quan đến quan hệ hợp đồng các bên đã xác lập và phát sinh tranh chấp. Thỏa thuận mà các bên đạt được phải phù hợp với quy định của pháp luật, không được vi phạm điều cấm của pháp luật giải quyết về nội dung tranh chấp đó.
  • Các bên tranh chấp sẽ tự thỏa thuận để tìm kiếm giải pháp trên tinh thần tự nguyện, thiện chí, hợp tác.
  • Trong trường hợp đạt được thỏa thuận, các bên thường tự nguyện thi hành thỏa thuận đó để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp thương lượng không thành công hoặc thương lượng thành công nhưng hai bên không tự nguyện thi hành, các bên có thể tiếp tục lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp khác phù hợp để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa họ như khởi kiện tại cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền.

III. Ưu điểm và hạn chế của phương thức thương lượng giải quyết tranh chấp

1. Ưu điểm

  • Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến, phương thức này thể hiện quyền tự do thỏa thuận và định đoạt của các bên.
  • Phương thức giải quyết tranh chấp này được giới thương nhân vô cùng ưa chuộng vì đơn giản, không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý phức tạp. Phương thức này tiết kiệm thời gian và chi phí giải quyết tranh chấp cho các bên. Đặc biệt, phương thức thương lượng cũng không làm tổn hại đến quan hệ hợp tác vốn có giữa các bên cũng như giữ bí mật và uy tín kinh doanh.
  • Khi tham gia phương thức thương lượng, các bên tranh chấp không cần lo lắng phải tiết lộ sớm các lập luận pháp lý và có khả năng kiểm soát các lập luận, chứng cứ của mình liên quan đến tranh chấp. Bởi vì không có cá nhân, tổ chức nào buộc các bên phải cung cấp chứng cứ hoặc chứng minh cho lập luận của mình mà chỉ có hai bên tự dàn xếp, thỏa thuận nhằm tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp đáp ứng được lợi ích của các bên.
  • Trong nhiều trường hợp, phương thức thương lượng là “cứu cánh” cho bên bị vi phạm khi thời hiệu khởi kiện đã hết. Theo đó, thông qua thương lượng, bên vi phạm nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ sẽ là cơ sở để bắt đầu tính lại thời hiệu khởi kiện quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

2. Hạn chế 

Thương lượng trước hết đòi hỏi các bên phải thiện chí, trung thực, hợp tác. Thỏa thuận đạt được trong phương thức thương lượng không có tính cưỡng chế thi hành mà phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên. Chính vì vậy, một bên không thiện chí có thể lợi dụng phương thức thương lượng để kéo dài, trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ. Điều này làm cho ưu điểm của phương thức thương lượng là tiết kiệm thời gian và chi phí lại không đạt được nếu một bên không tự nguyện thực hiện giải pháp đạt được trong thương lượng.

Trên đây là nội dung bài viết “Ưu điểm và hạn chế của phương thức thương lượng giải quyết tranh chấp”. Hi vọng những chia sẻ của TNTP nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,