Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (“HĐMBHHQT”) là thỏa thuận mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài mà trong đó một bên đóng vai trò là bên bán, một bên đóng vai trò là bên mua. Trong đó, bên bán có các nghĩa vụ liên quan đến việc giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; ngược lại, bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận. Bản chất của HĐMBHHQT vẫn là một quan hệ dân sự, nhưng quan hệ này đặc biệt hơn do có sự xuất hiện của các yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, pháp luật được áp dụng để điều chỉnh và áp dụng khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến HĐMBHHQT cũng rất đa dạng và phức tạp.

1. Pháp luật tố tụng được áp dụng để giải quyết tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án Việt Nam

Căn cứ Khoản 3 Điều 2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trình tự thủ tục tố tụng để giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài cần tuân theo theo các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trường hợp trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì ưu tiên áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Như vậy, với bản chất là một quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài, pháp luật tố tụng được áp dụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến HĐMBHHQT tại Tòa án Việt Nam có thể được áp dụng theo pháp luật tố tụng Việt Nam hoặc theo pháp luật tố tụng nước ngoài được quy định trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể:

– Trong trường hợp các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật tố tụng nước ngoài để giải quyết thì Tòa án Việt Nam sẽ áp dụng pháp luật tố tụng nước ngoài để thực hiện tố tụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật nước ngoài phải đảm bảo không được trái với các nguyên tắc của pháp luật Việt Nam. Ví dụ, Khoản 1 Điều 7 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga năm 2012 có quy định: “Khi thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp, cơ quan được yêu cầu áp dụng pháp luật nước mình. Theo đề nghị của cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu có thể áp dụng các quy phạm tố tụng của Bên ký kết yêu cầu, nếu các quy phạm đó không trái với pháp luật của bên ký kết được yêu cầu”.

– Ngoài trường hợp áp dụng pháp luật tố tụng nước ngoài theo Điều ước quốc tế nêu trên, các trường hợp giải quyết tranh chấp liên quan đến HĐMBHHQT khác khi đã được xác định là có thẩm quyền giải quyết tại Tòa án Việt Nam thì sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng của pháp luật Việt Nam.

2. Áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án Việt Nam

Khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến HĐMBHHQT, Tòa án cần xem xét đến các vấn đề về năng lực chủ thể ký kết hợp đồng và các vấn đề liên quan đến nội dung hợp đồng.

2.1. Áp dụng pháp luật để xác định năng lực chủ thể ký kết Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Căn cứ Điều 673 và Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015, năng lực dân sự của chủ thể sẽ được xác định như sau:

– Đối với trường hợp chủ thể là cá nhân: Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch. Người nước ngoài ở Việt Nam, có năng lực pháp luật dân sự như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.

– Đối với trường hợp chủ thể là pháp nhân: Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân, trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch. Quốc tịch của pháp nhân căn cứ theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập. Trường hợp pháp nhân nước ngoài tiến hành xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.

2.2. Áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Căn cứ Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015, các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng cho HĐMBHHQT của mình. Trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì áp dụng pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với HĐMBHHQT.

– Áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn: Nguyên tắc chung để xác định luật điều chỉnh nội dung vụ việc tranh chấp là ưu tiên áp dụng pháp luật do các bên thỏa thuận. Vì vậy, Khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 đã được quy định theo hướng cho phép các bên thỏa thuận, lựa chọn pháp luật mà các bên có mong muốn được áp dụng để giải quyết trước. Ngoài ra, các bên cũng có quyền thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với HĐMBHHQT với điều kiện việc thay đổi này không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.

– Áp dụng pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất: Trong trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng, nếu xảy ra tranh chấp từ HĐMBHHQT thì pháp luật áp dụng cho hợp đồng là pháp luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất. Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp được coi là pháp luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất với HĐMBHHQT là pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp chứng minh được nguồn luật của một nước khác với nước theo quy định tại Khoản 2 có mối quan hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật của nước đó sẽ được áp dụng.

Như vậy, khi giải quyết tranh chấp liên quan đến HĐMBHHQT mà các bên không thỏa thuận về lựa chọn pháp luật giải quyết tranh chấp thì pháp luật được lựa chọn có thể là pháp luật Việt Nam hoặc cũng có thể là pháp luật nước ngoài, tùy theo pháp luật nước nào có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với HĐMBHHQT đó hơn.

Trên đây là nội dung bài viết “Pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án Việt Nam” mà chúng tôi gửi đến bạn đọc. Hi vọng bài viết nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,