Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là hai chế tài thường được áp dụng đối với các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng. Do đối tượng áp dụng khác nhau nên quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS”) có những điểm khác biệt so với Luật Thương mại năm 2005 (“LTM”). Quý độc giả vui lòng đọc bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về sự khác biệt này.

1. Quy định về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong BLDS năm 2015

  • Phạt vi phạm được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Phạt vi phạm là chế tài dân sự mang tính đặc thù, yếu tố đặc thù được xác định là bên bị vi phạm sẽ chỉ được áp dụng chế tài phạt vi phạm khi có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng;
  • Về bồi thường thiệt hại, cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

2. Quy định về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại năm 2005

  • Phạt vi phạm được hiểu là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp: (i) xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận; (ii) xảy ra sự kiện bất khả kháng; (iii) hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (iv) hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng;
  • Về cơ bản chế tài bồi thường thiệt hại trong LTM tương tự với quy định trong BLDS. Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm, bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau: Có hành vi vi phạm hợp đồng; Có thiệt hại thực tế; Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm, bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

3. Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Theo Điều 418 BLDS, các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

4. Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại năm 2005

Theo Điều 307 LTM, trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

5. Phân biệt quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 (gọi tắt là “quan hệ giữa PVP và BTTH trong BLDS và LTM”)

Khi tham gia quan hệ hợp đồng, các bên có nhiều nghĩa vụ cần thực hiện. Để đảm bảo các bên thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ, các bên có thể thỏa thuận điều khoản duy nhất là bên vi phạm hợp đồng phải chịu mức phạt vi phạm nhất định và phải bồi thường thiệt hại tương ứng với hành vi vi phạm hoặc các bên có thể thỏa thuận mức phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khác nhau đối với từng hành vi vi phạm.

  • Những điểm chung về quan hệ giữa PVP và BTTH trong BLDS và LTM:

– Bên bị vi phạm chỉ có thể áp dụng phạt vi phạm khi các bên có thỏa thuận phạt vi phạm, trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ phạt vi phạm là chế tài được áp dụng dựa trên sự thỏa thuận của các bên còn bồi thường thiệt hại là chế được áp dụng dựa trên thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra.

– Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại, như vậy khi thực hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ, bên vi phạm vừa phải chịu phạt vi phạm, vừa phải bồi thường thiệt hại.

  • Những điểm khác biệt về quan hệ giữa PVP và BTTH trong BLDS và LTM:

– Trong BLDS, các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong LTM, việc thỏa thuận như vậy được coi là vô hiệu, kể cả khi các bên thỏa thuận như trên thì khi có đủ căn cứ theo luật định, bên bị vi phạm vẫn có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm (nếu có thỏa thuận về phạt vi phạm).

– Trong BLDS, trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Còn trong LTM, mặc dù các bên chỉ thỏa thuận phạt vi phạm, không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm có thể áp dụng cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

  • Sự khác biệt về quan hệ giữa PVP và BTTH trong BLDS và LTM có thể khái quát trong bảng sau:
Phạt vi phạm

(“PVP”)

Bồi thường thiệt hại

(“BTTH”)

Chế tài được áp dụng theo BLDS Chế tài được áp dụng theo Luật Thương mại
Không quy định Không quy định BTTH BTTH
Không quy định Có quy định BTTH BTTH
Có quy định Không quy định PVP PVP, BTTH
Có quy định Có quy định PVP, BTTH PVP, BTTH

(Không quy định, có quy định được hiểu là không/có quy định trong hợp đồng)

Trên đây là bài viết “Phân biệt quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,