Hòa giải là một trong những phương thức để giải quyết tranh chấp và thu hồi công nợ giữa các doanh nghiệp. Trong các bài viết trước, TNTP đã phân tích lợi ích của phương thức hòa giải, cũng như ưu và nhược điểm của hòa giải tiền tố tụng và hòa giải trong tố tụng. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích những khác biệt của hòa giải tiền tố tụng và hòa giải trong tố tụng, cũng như việc lựa chọn loại hòa giải nào sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp.

1. Về chi phí của hòa giải tiền tố tụng và hòa giải trong tố tụng

Hòa giải tiền tố tụng sẽ được tiến hành trước Hòa giải trong tố tụng, và doanh nghiệp có thể lựa chọn tiến hành cả hai phương thức hòa giải này. Tuy nhiên, khác với hòa giải tiền tố tụng – doanh nghiệp có thể không cần chi trả bất kỳ chi phí nào hoặc chỉ cần chi trả khoản phí rất nhỏ, hòa giải trong tố tụng chỉ được tiến hành khi Tòa án đã thụ lý Đơn khởi kiện, có nghĩa là nguyên đơn đã phải đóng đầy đủ tiền tạm ứng án phí.

Đối với một số tranh chấp có số tiền tranh chấp nhỏ, tiền tạm ứng án phí có thể không đáng kể. Tuy nhiên, nếu số tiền tranh chấp từ vài tỷ đến vài chục tỷ, nguyên đơn có thể phải đóng hàng chục đến hàng trăm triệu tiền tạm ứng án phí. Như vậy, so với hòa giải tiền tố tụng, chi phí đối với hòa giải trong tố tụng sẽ lớn hơn rất nhiều.

2. Về thời gian để tiến hành hòa giải tiền tố tụng và hòa giải trong tố tụng

Nếu giai đoạn hòa giải tiền tố tụng diễn ra thuận lợi và các bên thống nhất phương án hòa giải thành thì tổng thời gian từ khi Tòa án tiến hành hòa giải đến khi ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành có thể chỉ kéo dài một tháng. Quyết định công này cũng được thi hành án tương đương với quyết định hoặc bản án của Tòa án tại giai đoạn sơ thẩm hoặc phúc thẩm.

Ngược lại, hòa giải trong tố tụng bắt đầu sau khi Tòa án phải thụ lý Đơn khởi kiện, Tòa án cần thời gian để sắp xếp lịch hòa giải. Thời gian từ khi nộp đơn khởi kiện đến khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện theo luật định kéo dài từ 03 đến 06 tháng, tuy nhiên khoảng thời gian này có thể lâu hơn tùy theo hoàn cảnh, vụ việc thực tế. Như vậy, trường hợp các bên thống nhất phương án hòa giải để Tòa án ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì sẽ tốn ít nhất là 03 tháng kể từ khi nộp đơn khởi kiện. Như vậy, so với hòa giải tiền tố tụng, hòa giải trong tố tụng sẽ tốn nhiều thời gian hơn để có thể tiến hành.

3. Các bên nên lựa hòa giải tiền tố tụng hay hòa giải trong tố tụng?

Chủ nợ có thể thực hiện đồng thời cả hai phương thức hòa giải này vì Tòa án là cơ quan tổ chức đối với cả hòa giải tiền tố tụng và hòa giải trong tố tụng. Khi hai bên hòa giải thành thì Tòa án là cơ quan ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành hoặc Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, hai quyết định này đều có giá trị tương đương với nhau trong quá trình thi hành án. Bên nợ phải chịu sự ràng buộc của pháp luật và phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ cho chủ nợ, trường hợp bên nợ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán như đã cam kết thì chủ nợ có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án tiến hành việc cưỡng chế, buộc bên nợ phải thực hiện việc thanh toán.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng nhất để việc hòa giải đạt được kết quả là cả hai bên đều phải có thiện chí hòa giải, nếu bên nợ không hợp tác trong việc hòa giải thì cả hai phương thức hòa giải cũng sẽ không có kết quả. Khi đó, vụ việc sẽ được chuyển sang giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ để ban hành Bản án giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những phân tích của TNTP liên quan đến hòa giải tiền tố tụng và hòa giải trong tố tụng. Hi vọng bài viết này có ích với các doanh nghiệp.

Trân trọng.