Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thể không thực hiện được đúng nghĩa vụ của mình vì những nguyên nhân khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát của các bên. Chính vì vậy, vấn đề miễn trách nhiệm được coi là nội dung cần thiết đối với pháp luật về hợp đồng. Theo đó, các bên không phải chịu hậu quả pháp lý nếu việc vi phạm không phải do lỗi của bên vi phạm. Trong bài viết này, TNTP sẽ giới thiệu cho bạn đọc những trường hợp miễn trách nhiệm trong Hợp đồng theo pháp luật Việt Nam.
1. Miễn trách nhiệm do thỏa thuận giữa các bên
Đây là nội dung được ghi nhận tại Điểm a Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005. Theo đó, các bên không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện nằm trong thỏa thuận của các bên về việc miễn trách nhiệm. Các bên có thể thỏa thuận về việc loại trừ các chế tài khi có vi phạm hợp đồng như phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại,…
Thỏa thuận miễn trách nhiệm có thể ở hai dạng: Thứ nhất, thỏa thuận miễn trách nhiệm toàn phần, có nghĩa là thỏa thuận cho phép các bên không phải chịu trách nhiệm với toàn bộ nghĩa vụ khi sự kiện miễn trách nhiệm mà các bên thỏa thuận xảy ra. Thứ hai, thỏa thuận về việc miễn một phần trách nhiệm. Thỏa thuận này cho phép các bên sẽ không phải chịu các chế tài do vi phạm hợp đồng trong một phạm vi nhất định khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra.
2. Miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng
Vấn đề miễn trách nhiệm do xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 và Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Căn cứ Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, nếu một sự kiện bất khả kháng xảy ra đáp ứng các điều kiện dưới đây thì bên vi phạm có thể được miễn trách nhiệm:
• Một là, sự kiện có tính khách quan. Một sự kiện xảy ra một cách khách quan khi sự kiện đó không do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi chủ quan của các bên. Một số sự kiện có thể kể đến như các hiện tượng tự nhiên: bão, lũ lụt, sóng thần…; các sự kiện chính trị, xã hội: bạo loạn, chiến tranh…;.
• Hai là, sự kiện xảy ra không thể dự đoán trước được và nằm ngoài khả năng nhận biết của các bên. Điều này được hiểu là khi ký kết hợp đồng, các bên không thể biết về việc sự kiện bất khả kháng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
• Ba là, hậu quả do sự kiện để lại không thể khắc phục được mặc dù bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, là sự kiện xảy ra mà không thể tránh được về mặt hậu quả.
• Bốn là, sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất dẫn tới vi phạm nghĩa vụ. Theo đó, chỉ những sự kiện bất khả kháng tác động tới nghĩa vụ và là nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ thì bên vi phạm mới có thể được miễn trách nhiệm.
3. Miễn trách nhiệm do lỗi của bên còn lại
Việc một bên được miễn trách nhiệm do lỗi của bên còn lại được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005. Khoản 3 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Về bản chất, các bên đều có hành vi vi phạm, tuy nhiên, sự vi phạm của một bên có nguyên nhân từ lỗi của bên bị vi phạm. Điều kiện để áp dụng trường hợp miễn trách nhiệm trong trường hợp này là: Thứ nhất, phải có hành vi có lỗi của bên còn lại. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên bị vi phạm và lỗi đó phải có tác động tới việc thực hiện nghĩa vụ của bên còn lại trong hợp đồng. Thứ hai, lỗi của bên còn lại phải là nguyên nhân duy nhất và trực tiếp dẫn đến việc bên vi phạm không thể thực hiện được hợp đồng.
4. Miễn trách nhiệm do quyết định của cơ quan nhà nước
Việc được miễn trách nhiệm do quyết định của cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Khoản 4 Điều 294 Luật Thương mại 2005. Theo đó, bên vi phạm được miễn trách nhiệm nếu chứng minh được hành vi vi phạm của một bên do phải thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Quyết định đó có thể thuộc các trường hợp sau đây:
• Một bên phải dừng việc thực hiện nghĩa vụ đối với bên kia do phải thực hiện mệnh lệnh của cơ quan nhà nước vì lợi ích chung của xã hội trong quá trình thực hiện hợp đồng (ví dụ như quyết định cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch Covid – 19);
• Một bên phải tuân thủ mệnh lệnh quản lý hành chính trong lúc hợp đồng đang thực hiện (ví dụ như quyết định cấm buôn bán một mặt hàng nào đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm nếu ảnh hưởng của quyết định trên thuộc một trong hai tình huống sau:
• Trường hợp thứ nhất là quyết định của cơ quan có thẩm quyền tác động trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng, khiến đối tượng trong hợp đồng không còn.
• Trường hợp thứ hai là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cản trở các bên thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng.
Trên đây là bài viết: “Những trường hợp miễn trách nhiệm trong Hợp đồng theo pháp luật Việt Nam” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có nội dung cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP đẻ được giải đáp.
Trân trọng.