Trong lĩnh vực xây dựng giữa các bên thường có thể phát sinh tranh chấp bởi nhiều nguyên nhân và diễn ra tại nhiều giai đoạn của quá trình thực hiện hợp đồng. Đây là điều thường xuyên diễn ra trong ngành xây dựng và ảnh hưởng đến lợi ích của các bên. Trong bài viết này, TNTP sẽ đưa ra những tranh chấp thường phát sinh trong lĩnh vực xây dựng để các doanh nghiệp có thể có phương án đề phòng và chuẩn bị trong hoạt động của mình.
1. Tranh chấp liên quan đến chất lượng công trình
Đây có lẽ là một vấn đề thường xuyên xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi các bên ký kết hợp đồng xây dựng là đảm bảo chất lượng của dự án đúng tiêu chuẩn theo hợp đồng. Thông thường nhà thầu sẽ phải cam kết chất lượng công trình thực hiện đảm bảo đúng cam kết theo hợp đồng với chủ đầu tư, và chủ đầu tư trước khi lựa chọn nhà thầu để xây dựng sẽ phải đánh giá năng lực của nhà thầu có khả năng đáp ứng chất lượng, tiến độ của dự án hay không.
Trong một công trình xây dựng thường sẽ bao gồm nhiều nhà thầu khác nhau như: Nhà thầu thi công xây dựng; nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng; và Nhà thầu tư vấn. Khi xảy ra lỗi liên quan đến chất lượng công trình xây dựng sẽ cần xác định rõ lỗi của bên nào để từ đó có thể đưa ra kế hoạch giải quyết vụ việc.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là việc đánh giá chưa đúng năng lực của nhà thầu trước khi tiến hành dự án của chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư chỉ có thể đánh giá năng lực của nhà thầu dựa trên hồ sơ năng lực của họ và những thông tin về dự án mà nhà thầu phụ đã từng tham gia thực hiện, thực tế cho thấy nhiều nhà thầu phụ đã tự đánh bóng năng lực của mình với các “hồ sơ đẹp” vốn không phản ánh đúng năng lực của họ. Chính việc chủ đầu tư không có đủ khả năng lựa chọn nhà thầu phụ phù hợp cũng khiến quá trình xây dựng gặp nhiểu rủi ro liên quan đến chất lượng công trình.
2. Tranh chấp liên quan đến tiến độ công trình
Tiến độ công trình bị chậm trễ có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau kể cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, cụ thể:
2.1 Nguyên nhân khách quan
Điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch hoạ hoặc các trường hợp bất khả kháng tác động. Hoặc các lỗi kỹ thuật phát sinh nằm ngoài khả năng dự liệu của các bên, do sự thay đổi của pháp luật dẫn đến dự án phải điều chỉnh lại thiết kế, điều chỉnh quy hoạch, do quá trình xin giấy phép xây dựng mất nhiều thời gian hơn dự kiến dẫn đến tiến độ dự án bị chậm, nguyên vật liệu xây dựng khan hiếm dẫn đến việc không đảm bảo nguồn cung đầu vào,…
Các nguyên nhân này không xuất phát từ yếu tố lỗi của các bên thực hiện hợp đồng mà từ một bên thứ ba tác động, các nguyên nhân khách quan nằm ngoài khả năng dự liệu của các bên thực hiện hợp đồng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bên cũng như tiến độ thực hiện dự án.
2.2 Nguyên nhân chủ quan
Thông thường, các nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ xây dựng, thông thường bao gồm:
– Lỗi do Chủ đầu tư như: giám sát dự án không hiệu quả dẫn đến quá trình thực hiện dự án của các nhà thầu gặp sự cố về chất lượng, tiến độ gây ảnh hưởng chung đến tiến độ toàn bộ dự án
– Lỗi do Nhà thầu như: không đảm bảo được chất lượng xây dựng dẫn đến dự án bị trì hoãn vì phải thực hiện việc thay đổi, sửa chữa.
Các nguyên nhân chủ quan này xuất phát từ lỗi của chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong dự án, việc các bên không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình đã dẫn đến hậu quả là dự án bị chậm tiến độ. Do đó, để giải quyết vấn đề phát sinh nếu nguyên nhân xuất phát từ lỗi của các bên thì các bên cần nhận thức được lỗi phát sinh của mình để có thể đưa ra phương án giải quyết. Nếu các bên không thể tự thương lượng để giải quyết tranh chấp thì có thể đưa vụ việc giải quyết tại các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bao gồm Trọng tài thương mại hoặc Toà án nhân dân có thẩm quyền.
Trên đây là bài viết của TNTP liên quan đến Những tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực xây dựng, mong rằng bài viết trên có ích với hoạt động của các doanh nghiệp.
Trân trọng,