Hợp đồng gửi giữ tài sản là một loại hợp đồng dân sự thông dụng, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng. Còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, hợp đồng này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn và quản lý tài sản, đồng thời cũng tạo ra những lợi ích kinh tế cho các bên tham gia. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ cung cấp cho Quý độc giả các điều khoản và quy định cơ bản của hợp đồng gửi giữ tài sản.

I. Định nghĩa

Căn cứ Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp bên gửi không phải trả tiền công.

Như vậy, trong hợp đồng, bên gửi chuyển giao tài sản đồng thời chuyển quyền chiếm hữu tài sản cho bên nhận gửi giữ trong thời hạn nhất định. Bên nhận gửi giữ tiếp nhận tài sản và có nghĩa vụ bảo quản, trông giữ trong thời hạn do các bên thỏa thuận.

Hết thời hạn gửi giữ tài sản, bên giữ trả lại chính tài sản đó theo đúng tình trạng khi chuyển giao, còn bên gửi phải thanh toán tiền công cho việc gửi giữ. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận không tính tiền công cho việc giữ tài sản. Trong trường hợp này, bên giữ vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giữ tài sản tương tự như trường hợp được nhận tiền công.

II. Đặc điểm pháp lý

Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng có thể là động sản hoặc bất động sản, miễn là tài sản này có thể được tự do giao dịch. Đối với tài sản khó bảo quản hoặc tài sản có tính chất dễ cháy, độc hại… thì người gửi phải đóng gói cẩn thận và theo quy định của pháp luật, nếu có quy định. Người giữ tài sản phải có đầy đủ các phương tiện như kho, bãi, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho tài sản và đề phòng những trường hợp rủi ro xảy ra.

Thứ hai, hợp đồng này là một loại hợp đồng song vụ. Bên gửi có quyền yêu cầu bên giữ phải bảo quản tài sản gửi giữ và trả lại tài sản gửi giữ khi hết thời hạn hợp đồng hoặc theo yêu cầu của bên gửi. Bên giữ có quyền yêu cầu bên gửi phải nhận lại tài sản khi hết thời hạn hợp đồng và thanh toán tiền công theo thỏa thuận.

Thứ ba, hợp đồng này có thể là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù. Theo đó, trong trường hợp bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ thì đây là hợp đồng có đền bù. Ngược lại, nếu bên giữ không nhận tiền thù lao từ bên gửi thì đây là hợp đồng không có đền bù.

Thứ tư, hình thức của hợp đồng này có thể bằng lời nói, bằng văn bản hoặc xác lập bằng hành vi cụ thể. Thực tế, đối với những hợp đồng có giá trị nhỏ thì các bên thường lựa chọn hình thức hợp đồng bằng lời nói. Thông thường, bên giữ có thể giao vé cho bên gửi làm bằng chứng đã giao kết hợp đồng. Lưu ý, vé là căn cứ xác định việc tồn tại của hợp đồng, bản thân vé không phải là một bản hợp đồng.

Trên đây là nội dung bài viết “Những nội dung cơ bản cần biết về hợp đồng gửi giữ tài sản”. Hi vọng những chia sẻ nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,