Tại Việt Nam, các hoạt động gia công hàng hóa ngày càng được mở rộng, phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ gia công hàng tiêu dùng như gia công quần áo, giày dép,… cho đến gia công các sản phẩm yêu cầu công nghệ cao như gia công linh kiện điện tử, gia công ô tô,… Thông thường, hợp đồng gia công thường được ký kết giữa các công ty, doanh nghiệp với nhau. Do vậy, việc am hiểu và vận dụng linh hoạt quy định pháp luật về gia công được coi là yếu tố then chốt để đảm bảo quyền lợi của mỗi bên khi các bên thỏa thuận, thương lượng ký kết hợp đồng gia công. Do vậy, trong bài viết sau đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần chú ý để các bên có thể cân nhắc, áp dụng trong quá trình thương lượng, ký kết hợp đồng gia công.

I. Khái niệm Hợp đồng gia công

Căn cứ theo quy định tại Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

Ngoài ra, Luật Thương mại 2005 cũng quy định hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.

Như vậy, hợp đồng gia công có thể hiểu là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên nhận gia công sử dụng nguyên vật liệu của mình hoặc do bên đặt gia công cung cấp để thực hiện các hoạt động nhằm tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh hoặc bán thành phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công với mục đích hưởng thù lao. Còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền thù lao cho bên nhận gia công.

Xét về đối tượng trong hợp đồng gia công, đối tượng là vật chưa tồn tại khi các bên thỏa thuận giao kết hợp đồng, mà vật đó chỉ được xác định theo mẫu, tiêu chuẩn nhất định và bên gia công có nghĩa vụ phải tạo ra sản phẩm gia công theo đúng mẫu mà các bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Thông thường, pháp luật có quy định về tiêu chuẩn thì tiêu chuẩn đó thường liên quan đến việc sản phẩm gia công phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường,…

Một số hợp đồng gia công phổ biến hiện nay là: Hợp đồng gia công cơ khí, hợp đồng gia công hàng hóa, hợp đồng gia công may mặc, hợp đồng gia công phần mềm,…

II. Hình thức hợp đồng gia công

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gia công có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

Đối với các loại hợp đồng gia công mà pháp luật chuyên ngành quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo quy định đó. Ví dụ, đối với hợp đồng gia công trong thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Điều 179 Luật Thương mại 2005). Các hình thức có giá trị pháp lý tương đương ở đây bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (Khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại 2005), hay nói cách khác là hợp đồng được ký kết dưới dạng hợp đồng điện tử (Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005). Mặc dù hợp đồng điện tử rất tiện tích nhưng các bên cũng cần lưu ý rằng khi giao kết bằng hợp đồng điện tử, các bên có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro, cả về mặt kỹ thuật, thương mại hay pháp lý.

III. Các nội dung cơ bản cần có trong hợp đồng gia công

Trong quá trình soạn thảo, rà soát để chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng gia công, các bên cần đảm bảo hợp đồng có các nội dung cơ bản như sau:

– Chủ thể ký kết hợp đồng gia công;
– Đối tượng của hợp đồng;
– Tiền gia công sản phẩm hay còn gọi là phí dịch vụ;
– Phương thức và thời hạn thanh toán tiền gia công;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Thanh lý nguyên vật liệu khi hợp đồng chấm dứt;
– Trách nhiệm của các bên trong trường hợp chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công;
– Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng;
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng;
– Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại;
– Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp.

Trên đây là nội dung bài viết “Những nội dung cơ bản cần biết về hợp đồng gia công” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề nào cần làm rõ, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,