Trong thời gian gần đây, hoạt động Bancassurance đang phát sinh nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Khởi nguồn từ những tâm sự, chia sẻ online của những người mua bảo hiểm đến hàng loạt các hội nhóm người mua bảo hiểm gửi đơn đề nghị cơ quan Công an giải quyết những hành vi có dấu hiệu phạm tội trong hoạt động bảo hiểm. Có thể thấy hoạt động Bancassurance tại Việt Nam đã phát sinh nhiều sự biến tướng khác nhau xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tham gia bảo hiểm. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra những nguyên nhân chính dẫn đến biến tướng trong hoạt động Bancassurance tại Việt Nam.

1. Chất lượng tư vấn bảo hiểm qua ngân hàng còn nhiều bất cập

Hoạt động Bancassurance tại Việt Nam thường do các ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các công ty bảo hiểm đối tác của ngân hàng. Khi đó, các nhân viên của ngân hàng sẽ là đội ngũ tư vấn trực tiếp bán bảo hiểm với khách hàng, tuy nhiên các nhân viên ngân hàng không được đào tạo bài bản, chỉ được qua các khóa học ngắn sơ lược về dịch vụ bảo hiểm nên họ không có hiểu biết sâu và đầy đủ về các dịch vụ bảo hiểm mình tư vấn cho khách hàng. Ngoài ra, do áp lực chỉ tiêu bán bảo hiểm kèm theo mức thù lao hậu hĩnh đã khiến một bộ phận không nhỏ các nhân viên ngân hàng đã cố ý đánh tráo khái niệm, đưa ra thông tin không đầy đủ về các gói bảo hiểm khiến khách hàng hiểu nhầm và giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Khi được hưởng lợi ích quá lớn, nhiều nhân viên ngân hàng sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để chốt hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, điều này không những đi ngược lại nguyên tắc thuận mua vừa bán mà còn tiềm ẩn khả năng cấu thành các tội phạm hình sự về lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, theo một số nguồn tin thì rất nhiều người gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã được nhân viên tư vấn mua gói “Tâm an đầu tư” là sản phẩm liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm. Theo đó, nhân viên ngân hàng tư vấn đây là gói “tiết kiệm đầu tư” có lãi suất cao và “có tặng kèm bảo hiểm nhân thọ”, đồng thời khách hàng có thể rút toàn bộ vốn và lãi sau từ 5-6 năm. Khi nghe các lời tư vấn “có cánh” này từ nhân viên ngân hàng, các khách hàng đã tiến hành giao kết hợp đồng và gửi hàng trăm triệu đồng theo các nội dung được hướng dẫn. Tuy nhiên sau này khách hàng mới phát hiện ra số tiền mình gửi vào để đầu tư đã được ngân hàng chuyển vào đóng phí bảo hiểm nhân thọ và khách hàng không được rút toàn bộ số tiền đã nộp cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm (từ vài năm đến vài chục năm). Nghiêm trọng hơn, nhân viên ngân hàng đã không cung cấp bất kỳ giấy tờ nào thể hiện các khoản phí khách hàng cần thanh toán, các nội dung liên quan đến việc giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà chỉ gửi khách hàng những mục cần ký.

Có thể thấy trong trường hợp này, nhân viên ngân hàng đã cố ý tư vấn sai sự thật, đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “bảo hiểm nhân thọ” khiến khách hàng hiểu nhầm. Đồng thời cố ý giấu đi các tài liệu thể hiện bản chất của giao dịch dân sự khiến khách hàng hoàn toàn không biết về bản chất của hợp đồng. Theo quy định của pháp luật, hành vi trên có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, tùy vào mức độ vi phạm mà các đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị áp dụng hình thức phạt từ từ 06 tháng, 03 năm cho đến 20 năm tù.

2. Quy định của pháp luật cần đảm bảo sự đồng bộ

Với Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023, nhiều quy định về hoạt động bán bảo hiểm liên kết của các ngân hàng đã được quy định cụ thể và siết chặt lại trách nhiệm của các bên kinh doanh bảo hiểm. Ngoài ra, luật còn bổ sung thêm các quy định về hành vi bị nghiêm cấm khi kinh doanh hoạt động bảo hiểm như: Gian lân trong hoạt động bảo hiểm, giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin hồ sơ, cưỡng ép, đe dọa giao kết hợp đồng bảo hiểm,…Các thay đổi này phần nào đã góp phần xây dựng một môi trường hoạt động Bancassurance lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, đó mới là thay đổi đến từ phía Luật Kinh doanh bảo hiểm, đối với trách nhiệm của ngân hàng thì Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của phía ngân hàng trong hoạt động Bancassurance. Luật mới chỉ quy định về phạm vi các hoạt động bảo hiểm mà ngân hàng được phép cung cấp, ngoài ra chưa có bất cứ quy định nào liên quan đến trách nhiệm của ngân hàng và yêu cầu về điều kiện, trình độ mà nhân viên ngân hàng cần đáp ứng khi thực hiện việc tư vấn bán bảo hiểm cho khách hàng. Như vậy, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đang trong giai đoạn xây dựng, sửa đổi sẽ cần bổ sung thêm các quy định ràng buộc trách nhiệm của phía ngân hàng trong hoạt động Bancassurance để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng môi trường lành mạnh trong kinh doanh bảo hiểm tại các hệ thống ngân hàng và góp phẩn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và xây dựng, củng cố niềm tin của cộng đồng, xã hội đối với hoạt động này.

Trên đây là bài viết về chủ đề: “Những nguyên nhân dẫn đến biến tướng trong hoạt động Bancassurance tại Việt Nam” của luật sư TNTP. Mong rằng bài viết này cung cấp những thông tin hữu ích đến các độc giả.

Trân trọng,