Việc phát sinh nợ xấu trong quá trình hoạt động kinh doanh là điều gần như không thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên để đảm bảo hoạt động kinh doanh và dòng tiền ổn định thì doanh nghiệp vẫn cần cố gắng giảm thiểu tối đa các khoản nợ xấu có thể phát sinh. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin cần biết về những loại danh nghiệp cần tránh để không phát sinh nợ xấu trong tương lai.

1. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh không ổn định

Một doanh nghiệp có hoạt động không ổn định sẽ dẫn đến việc khó có khả năng sinh lời và dễ dàng phát sinh nợ xấu. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh không ổn định là đối tượng cần phải lưu ý trước khi giao kết hợp đồng để phòng ngừa khả năng phát sinh nợ xấu về sau. Hoạt động không ổn định của một doanh nghiệp có thể dựa trên doanh số bán hàng và cung cấp dịch vụ. Nếu sản lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp và bán ra quá thấp thì chứng tỏ doanh nghiệp đang không có chất lượng hàng hóa tốt, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường và không có khả năng tài chính tốt cũng như khả năng sinh lời. Các doanh nghiệp như vậy sẽ dễ dàng trở thành một bên nợ tiềm tàng trong tương lai.

2. Các doanh nghiệp có mâu thuẫn nội bộ

Để có thể hoạt động hiệu quả thì bộ máy nhân sự của doanh nghiệp phải thống nhất, đoàn kết để phát huy tiềm năng của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có sự mâu thuẫn trong chính nội bộ của mình sẽ gây ra sự không ổn định trong việc quản lý, duy trì và phát triển doanh nghiệp đó và khó để có thể phát triển và sinh lời. Các mâu thuẫn nội bộ có thể từ việc các chức vụ thường xuyên bị thay thế, tranh chấp về tỷ lệ sở hữu phần vốn góp giữa các thành viên công ty, phân chia nhiệm vụ, vai trò không rõ ràng,…

Việc doanh nghiệp có mâu thuẫn nội bộ sẽ tạo ra môi trường thiếu ổn định để doanh nghiệp tập trung vào mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận và dễ dàng dẫn đến thâm hụt tài chính và phát sinh công nợ. Do đó, các doanh nghiệp có mâu thuẫn nội bộ cũng là một đối tượng cần tránh khi giao kết hợp đồng để hạn chế nợ xấu trong tương lai.

3. Các doanh nghiệp đang phát sinh nhiều tranh chấp với các bên khác ảnh hưởng đến quá trình hoạt động

Khi một doanh nghiệp phát sinh quá nhiều tranh chấp với các bên khác, tương tự như việc phát sinh mâu thuẫn nội bộ, các phát sinh tranh chấp của một doanh nghiệp với các bên khác khiến doanh nghiệp không thể tập trung toàn bộ nội lực để thực hiện mục tiêu sinh lợi. Các tranh chấp phát sinh của doanh nghiệp với các bên khác bao gồm: tranh chấp liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền chuyển giao công nghệ, hoặc tranh chấp do không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn.

Tuy tranh chấp là điều khó tránh khỏi và có thể do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau. Tuy nhiên việc một doanh nghiệp phát sinh quá nhiều tranh chấp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sẽ tác động rất lớn đến quá trình vận hành, phát triển và cả việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp. Do đó các doanh nghiệp đang phát sinh quá nhiều tranh chấp ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của mình nhiều khả năng sẽ trở thành những bên nợ tiềm tàng trong tương lai và cần phải tránh để không phát sinh nợ xấu về sau.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Những loại doanh nghiệp cần tránh để không phát sinh nợ xấu”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các doanh nghiệp.

Trân trọng,