Thu hồi nợ là một hoạt động quan trọng và luôn tồn tại trong xã hội. Mặc dù vậy, không phải lúc nào chủ nợ cũng thu hồi nợ thành công. Để có thể thu hồi nợ hiệu quả, bên thu hồi nợ cần phải biết có những điều nên và không nên làm trong thu hồi nợ. Vậy đâu là điều không nên làm khi thực hiện hoạt động thu hồi nợ? Bài viết “Những điều không nên làm trong hoạt động thu hồi nợ” sẽ trả lời câu hỏi trên.

 1. Thực hiện các hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp

Điều đầu tiên mà bên có quyền không nên làm trong thu hồi nợ là thực hiện các hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp. Việc thực hiện những hành vi này không những không có hiệu quả mà còn khiến bên có quyền bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một hậu quả lớn hơn, bên nợ có thể sẽ làm tổn hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của bên có quyền nếu họ bị ép phải trả nợ bằng hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp.

Vậy những hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp là gì? Điều này đã được trả lời và phân tích trong bài viết “Những hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp”. Các hành vi thu hồi nợ được coi là bất hợp pháp bao gồm:

  • Công khai hình ảnh, thông tin của bên nợ mà chưa có sự đồng ý của bên nợ;
  • Xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bên nợ;
  • Gọi điện, liên hệ với những người quen của bên nợ để yêu cầu trả nợ thay cho bên nợ;
  • Đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phá hoại tài sản của bên nợ; và
  • Gọi điện giục trả nợ liên tục gây phiền nhiễu.

2. Không đánh giá khả năng thanh toán của bên nợ

Việc tiếp theo mà bên có quyền không nên làm trong thu hồi nợ là không đánh giá khả năng thanh toán của bên nợ. Đây là yếu tố quan trọng nhất, trực tiếp quyết định kết quả của việc thu hồi nợ chính là khả năng thanh toán của bên nợ. Nếu bên nợ không có khả năng thanh toán thì dù bên có quyền có áp dụng biện pháp gì cũng không thể thu hồi nợ thành công. Vì vậy, bên có quyền không nên bỏ qua bước đánh giá khả năng thanh toán của bên nợ trong thu hồi nợ.

Trên thực tế, nhiều chủ nợ không coi trọng việc đánh giá khả năng thanh toán của bên nợ. Họ sẵn sàng chi một số tiền lớn để khởi kiện với hy vọng có thể thu hồi khoản nợ còn hơn là chấp nhận mình bị mất tiền. Kết quả là, dù họ thắng kiện nhưng lại bị mắc kẹt ở giai đoạn thi hành án vì bên nợ không có tài sản, tiền để trả khoản nợ. Cuối cùng, người có quyền vừa không thu hồi được nợ vừa mất thêm tiền, thời gian, công sức ở giai đoạn khởi kiện.

Việc đánh giá nên được thực hiện từ trước khi phát sinh khoản nợ, trong quá trình bên nợ thực hiện thỏa thuận và khi khoản nợ đến hạn. Thậm chí ngay cả khi khoản nợ đã quá hạn, bên có quyền vẫn nên đánh giá khả năng thanh toán của bên nợ. Bên cạnh đó, khả năng thanh toán nên được xem xét định kỳ để có giải pháp kịp thời ngay khi bên nợ có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.

3. Không theo dõi, đôn đốc bên nợ trả khoản nợ thường xuyên, liên tục

Một điều không nên làm trong thu hồi nợ thứ ba là không theo dõi, đôn đốc bên nợ trả khoản nợ thường xuyên, liên tục. Nếu đã xác định thu hồi nợ, bên có quyền không được để khoản nợ bị “trôi” mất. Trên thực tế, nhiều chủ nợ đã lãng quên, để hổng một thời gian dài mà không liên hệ với bên nợ hoặc thu hồi nợ một cách rất hời hợt. Đến khi nhớ ra khoản nợ thì bên nợ đã không còn khả năng thanh toán hoặc đã đổi cách thức liên hệ, địa chỉ. Lúc này, việc thu hồi nợ trở nên khó khăn hơn rất nhiều với tỷ lệ thành công thấp.

Để thu hồi nợ hiệu quả, đặc biệt là những khoản nợ quá hạn, bên có quyền phải luôn theo dõi, đôn đốc bên nợ trả khoản nợ thường xuyên, liên tục. Điều đó sẽ khiến bên nợ hiểu rằng bên có quyền vẫn nhớ về khoản nợ đó và họ có nghĩa vụ phải trả nợ. Trường hợp bên có quyền thu hồi nợ quá dễ dàng đáp ứng mọi lý do, giải pháp mà bên nợ đưa ra sẽ khiến bên nợ sẽ chây ỳ thanh toán, thậm chí cho rằng bên có quyền đã quên mất khoản nợ. Bằng cách này, việc thu hồi nợ sẽ dần dần bế tắc và con đường bị thu hẹp lại.

Trên đây là những điều không nên làm trong thu hồi nợ. Ngoài ba điều trên, vẫn có một số điều khác mà bên có quyền không nên làm khi thu hồi nợ. Tuy nhiên, ba nội dung trên là những nguyên tắc quan trọng nhất để bên có quyền có thể đạt kết quả tốt khi thu hồi nợ. TNTP hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Trân trọng,