Hợp đồng dịch vụ là một loại hợp đồng dân sự thông dụng, được sử dụng phổ biến trong xã hội hiện nay. Để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật và hạn chế tranh chấp có thể xảy ra, việc hiểu rõ quy định của pháp luật về hợp đồng dịch vụ là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích một số nội dung cơ bản về loại hợp đồng này.

I. Hợp đồng dịch vụ là gì?

Theo quy định tại Điều 513 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Mặt khác, theo Khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại 2005, cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.

Như vậy, có thể thấy, hợp đồng đồng dịch vụ là loại hợp đồng có đối tượng là công việc. Trong hợp đồng dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện một công việc vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ phải thanh toán tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ trên cơ sở các nội dung trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

II. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng dịch vụ

Thứ nhất, hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ, hai bên trong hợp đồng phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau. Theo đó, bên cung ứng dịch vụ thực hiện một công việc đã thỏa thuận vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ. Còn bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ phải trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ.

Thứ hai, hợp đồng dịch vụ là hợp đồng có đền bù. Theo đó, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ sau khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện xong công việc. Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, như đã đề cập ở trên, đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc mà bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ. Công việc được coi là đối tượng trong hợp đồng dịch vụ phải là những công việc có thể thực hiện được. Đồng thời, công việc đó phải là những công việc không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội và phải được thực hiện bởi các chủ thể có quyền cung ứng dịch vụ.

III. Hình thức của hợp đồng dịch vụ

Căn cứ Điều 74 Luật Thương mại 2005, hợp đồng dịch vụ có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi vụ thể. Đối với các loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. Ví dụ, theo quy định tại Điều 90 và Điều 124 Luật Thương mại 2005, hợp đồng dịch vụ khuyến mại và hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị tương đương. Các hình thức có giá trị pháp lý tương đương ở đây bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (Khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại 2005), hay nói cách khác là hợp đồng được ký kết dưới dạng hợp đồng điện tử (Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005).

IV. Những nội dung cơ bản của hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ có thể bao gồm các điều khoản cơ bản như sau:

+ Đối tượng của hợp đồng dịch vụ;
+ Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ;
+ Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ;
+ Thanh toán tiền dịch vụ;
+ Sự kiện bất khả kháng;
+ Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại;
+ Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ;
+ Tiếp tục hợp đồng dịch vụ;
+ Giải quyết tranh chấp;
+ Điều khoản chung về hiệu lực.

Trên đây là nội dung bài viết “Những nội dung cơ bản cần biết về hợp đồng dịch vụ” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,