Hiện nay, trong các hoạt động của nhiều công ty, xảy ra một số trường hợp công ty giao cho nhân viên cầm tiền, tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ, công việc cho công ty nhưng nhân viên sau khi cầm tiền, tài sản đã không thực hiện nhiệm vụ của mình và cắt đứt liên lạc với công ty. Với những tình huống như vậy, nhân viên chiếm đoạt tiền của công ty có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì nhân viên có dấu hiệu của tội gì? Khi gặp phải trường hợp tương tự, các công ty cần phải làm gì để lấy lại tiền? TNTP có những chia sẻ pháp lý cho các bạn đọc như sau:
1. Nhân viên chiếm đoạt tiền của công ty có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Theo kinh nghiệm làm việc của TNTP, nếu nhân viên cầm tiền, tài sản của công ty nhưng không thực hiện nghĩa vụ, công việc mà mình được giao và cắt đứt liên lạc với công ty để biến tiền, tài sản của công ty thành tiền, tài sản riêng của mình thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Nhân viên chiếm đoạt tiền của công ty có dấu hiệu của tội gì?
Hiện nay, có 02 quan điểm về việc truy cứu hình sự đối với hành vi của nhân viên chiếm đoạt tiền của công ty, đó là: (i) tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS); hoặc (ii) tội Tham ô tài sản quy định tại Điều 353 BLHS.
Để có thể xem xét hành vi của nhân viên thuộc tội nào thì cần phải phân biệt được sự khác nhau của tội Tham ô tài sản và tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
- Theo đó, chủ thể của tội Tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức Nhà nước hoặc trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước; người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
- Trong khi đó, chủ thể của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ cần đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo BLHS; người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một cách hợp pháp thông qua hình thức hợp đồng như vay, mượn, thuê; và sau khi có được tài sản, người phạm tội bỏ trốn, không trả lại tài sản đó mà dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Dựa theo các dấu hiệu pháp lý của 02 tội trên, TNTP phân tích tình huống như sau:
- Chủ thể: Nhân viên có chức vụ và quyền hạn, làm việc trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.
- Nhân viên được công ty giao, có trách nhiệm quản lý tiền, tài sản. Như vậy, nhân viên có quyền hạn nhất định đối với tiền, tài sản của công ty.
- Nhân viên này đã lợi dụng quyền hạn của mình (quyền cầm giữ tiền, tài sản của công ty để thực hiện công việc được giao) để chiếm đoạt tiền, tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Như vậy, đối chiếu với 02 tội trên, hành vi phạm tội của nhân viên có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản tại Điều 353 BLHS.
3. Giải pháp xử lý cho công ty khi phát hiện nhân viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công ty
Khi nhân viên có đủ các hành vi được nêu ra trong trường hợp này thì giải pháp xử lý tốt nhất cho công ty là tố giác tội phạm. Người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và ngoài ra vẫn phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt của công ty.
Việc tố giác tội phạm với nhân viên có thể tiến hành theo các bước sau:
- Bước 1: Xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
- Bước 2: Lựa chọn hình thức và tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố
- Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Trên đây là những chia sẻ pháp lý khi doanh nghiệp gặp phải tình huống nhân viên chiếm đoạt tài sản của công ty. Hy vọng bài viết này có ích cho bạn.
Trân trọng.
Có thể bạn chưa đọc Phân biệt tranh chấp dân sự và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm những thông tin pháp lý bổ ích.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các cộng sự
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com