Hiện nay, Việt Nam với những chính sách đầu tư cởi mở là một điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và một số nguyên nhân khách quan khác, nhiều nhà đầu tư không thực hiện dự án đầu tư theo nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), đặc biệt là không thể góp vốn đúng tiến độ theo GCNĐKĐT. Trong trường hợp này, nhà đầu tư cần phải làm gì? Đâu là phương án giải quyết hợp lý và hợp pháp để nhà đầu tư được gia hạn thời gian góp vốn?

Ý kiến của TNTP:

Khi nhà đầu tư nhận thấy không thực hiện dự án, cụ thể là không hoàn thành việc góp vốn trong thời hạn được ghi tại GCNĐKĐT, nhà đầu tư có thể thực hiện một (01) trong hai (02) thủ tục sau:

1. Thủ tục Giãn tiến độ đầu tư

Căn cứ theo Điều 46 của Luật Đầu tư 2014, đối với Dự án được cấp GCNĐKĐT, nhà đầu tư phải đề xuất bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư khi giãn tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và đưa công trình chính vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư. Nghĩa là, Luật Đầu tư 2014 cho phép nhà đầu tư thực hiện thủ tục Giãn tiến độ đầu tư bằng cách nhà đầu tư sẽ nộp một (01) bộ hồ sơ đề nghị Giãn tiến độ đầu tư đến cơ quan đăng ký đầu tư.

Vui lòng lưu ý rằng nhà đầu tư chỉ thực hiện thủ tục Giãn tiến độ đầu tư khi vào ngày Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất, thời hạn góp vốn của nhà đầu tư vẫn còn. Tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng.

2. Thủ tục Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Giai đoạn 1: Nộp Hồ sơ điều chỉnh GCNĐKĐT

Theo Điều 40 của Luật Đầu tư 2014, khi có nhu cầu thay đổi nội dung GCNĐKĐT, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh GCNĐKĐT bằng cách nộp Hồ sơ điều chỉnh GCNĐKĐT cho cơ quan đăng ký đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư (“Hồ sơ điều chỉnh”). Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ Hồ sơ điều chỉnh và phát hành Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét tính hợp lệ của Hồ sơ điều chỉnh.

Trong trường hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư về việc chuyển Hồ sơ điều chỉnh cho Thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư (“Thanh tra Sở”) do nhận thấy có dấu hiệu vi phạm không góp đủ và đúng hạn số vốn đăng ký theo quy định căn cứ theo Khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; khi đó, khả năng cao Nhà đầu tư sẽ được cấp GCNĐKĐT điều chỉnh sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt xử lý vi phạm hành chính.

Giai đoạn 2: Làm việc với Thanh tra Sở và thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Sau khi Hồ sơ điều chỉnh đã được Phòng Kinh tế đối ngoại thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển đến Thanh tra Sở, Thanh tra Sở sẽ xem xét hồ sơ và thông báo lịch họp về việc điều chỉnh GCNĐKĐT cho nhà đầu tư. Tại buổi họp làm việc, Thanh tra Sở sẽ xem xét dấu hiệu vi phạm về tiến độ góp vốn của nhà đầu tư.

Trường hợp Thanh tra Sở ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính “Không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế hoạch và đầu tư của nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ có trách nhiệm thi hành Quyết định xử phạt.

Giai đoạn 3: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh

Vui lòng lưu ý rằng: Nhà đầu tư có thể thực hiện thủ tục Điều chỉnh GCNĐKĐT trong hoặc quá thời hạn góp vốn. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào nhà đầu tư cũng được cấp GCNĐKĐT điều chỉnh. Việc được cấp GCNĐKĐT điều chỉnh phụ thuộc vào kỹ năng trình bày, thuyết phục, thương lượng của nhà đầu tư tại buổi họp làm việc và phụ thuộc vào cách nhìn nhận từng vụ việc, hồ sơ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc kỹ và đảm bảo khả năng góp vốn đúng thời hạn theo GCNĐKĐT đã được cấp.

Tóm lại, tùy từng trường hợp cụ thể và nhu cầu, nhà đầu tư có thể lựa chọn thực hiện thủ tục Giãn tiến độ đầu tư hoặc thủ tục Điều chỉnh GCNĐKĐT để đảm bảo tiến độ góp vốn trên thực tế phù hợp với nội dung tiến độ góp vốn đã được thể hiện tại GCNĐKĐT. Việc xác định rõ tình hình về việc chậm góp vốn và nhu cầu gia hạn thời gian góp vốn của nhà đầu tư giúp nhà đầu tư dễ dàng đưa ra lựa chọn phù hợp, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí của nhà đầu tư và đảm bảo cho việc thực hiện dự án phù hợp với quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến tư vấn về việc nhà đầu tư không thực hiện dự án theo nội dung tại GCNĐKĐT và phương án xử lý hợp pháp. Hy vọng các ý kiến là hữu ích cho công việc của các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Dịch vụ pháp lý hỗ trợ khách hàng giải quyết tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP & Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com