Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) là hành vi của một bên trong quan hệ lao động chủ động chấm dứt HĐLĐ không phụ thuộc vào ý chí của bên còn lại. Pháp luật lao động quy định các trường hợp mà người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động (“NLĐ”). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều NSDLĐ đã không tuân thủ pháp luật mà đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật đối với NLĐ. Vậy trong trường hợp này, NLĐ cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích của mình? Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung mà NLĐ nên cân nhắc áp dụng.
1. Thu thập các chứng cứ liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng trái pháp luật
Kể từ thời điểm NLĐ bị NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nếu NLĐ cho rằng việc chấm dứt như vậy là trái pháp luật, NLĐ cần nhanh chóng thu thập các chứng cứ liên quan đến vụ việc bao gồm: HĐLĐ, biên bản NSDLĐ xác định vi phạm của NLĐ để đơn phương chấm dứt HĐLĐ, quyết định chấm dứt HĐLĐ, giấy tờ thanh toán của NSDLĐ, các tài liệu nội bộ của doanh nghiệp liên quan đến việc chấm dứt HĐLĐ,…
Có thể nói rằng, việc NLĐ thu thập các chứng cứ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chứng minh hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là trái pháp luật.
2. Đánh giá tính hợp pháp của việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động
Để xác định tính hợp pháp của việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ cần dựa trên quy định pháp luật, các tài liệu nội bộ hợp pháp của doanh nghiệp.
Thứ nhất, NLĐ cần xác định căn cứ mà NSDLĐ sử dụng để đơn phương chấm dứt HĐLĐ có phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ”) không.
Thứ hai, NLĐ cần tìm hiểu các tài liệu nội bộ của doanh nghiệp có liên quan đến việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ như nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc,… để xác định doanh nghiệp có thực hiện các hành vi nào trái với quy định tại các tài liệu nội bộ không.
Thứ ba, NLĐ cần xác định NSDLĐ đã báo trước việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ đúng theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 36 BLLĐ không.
3. Xác định các quyền lợi mà NLĐ được hưởng theo quy định pháp luật
Thứ nhất, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ dù đúng pháp luật hay trái pháp luật, NSDLĐ có những nghĩa vụ sau với NLĐ: i) Thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của NLĐ; ii) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu NSDLĐ đã giữ của NLĐ; iii) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do NSDLĐ trả.
Thứ hai, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, NSDLĐ phải chịu các trách nhiệm được quy định tại Điều 41 BLLĐ như: NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết; Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ,…
Do vậy, căn cứ vào tình hình thực tế, NLĐ có thể yêu cầu NSDLĐ phải chi trả các quyền lợi cho mình phù hợp với quy định pháp luật, hợp đồng lao động và các tài liệu nội bộ của doanh nghiệp.
4. Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc
Khi có các căn cứ, tài liệu chứng minh NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với mình, trước hết NLĐ có thể yêu cầu tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bảo vệ quyền lợi cho mình.
Trường hợp doanh nghiệp không có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, NLĐ có thể trực tiếp thương lượng với NSDLĐ, yêu cầu NSDLĐ chịu các trách nhiệm, chi trả các quyền lợi cho mình. Trường hợp việc thương lượng không thành công, NLĐ có thể yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức sau bảo vệ quyền lợi cho mình: Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính; Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng lao động; Tòa án nhân dân có thẩm quyền; Các cơ quan, tổ chức khác như cơ quan bảo hiểm xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính,…
Ngoài ra, NLĐ nên cân nhắc việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực lao động. Bởi lẽ luật sư là người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn nên có thể hỗ trợ NLĐ giải quyết vụ việc như đề xuất hướng giải quyết, soạn thảo các văn bản, tư vấn và đại diện cho NLĐ trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Như vậy, khi bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, NLĐ nên tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan, thu thập chứng cứ và tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý từ cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Trên đây là bài viết “Người lao động cần làm gì khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ.
Trân trọng,