Trong trường hợp người lao động (“NLĐ”) bị người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) trái pháp luật, NLĐ có quyền yêu cầu các cá nhân, cơ quan và tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho mình. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày một số cá nhân, cơ quan, tổ chức hỗ trợ, giải quyết tranh chấp cho NLĐ.

1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở được thành lập nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ nên khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, NLĐ có thể yêu cầu tổ chức này phối hợp với mình để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

2. Người sử dụng lao động

Khi cho rằng NSDLĐ đã thực hiện hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và có các căn cứ, tài liệu chứng minh, trước hết NLĐ nên thương lượng với NSDLĐ. Việc thương lượng có thể được thực hiện thông qua văn bản, email, họp online hoặc trực tiếp,… Trường hợp NSDLĐ thiện chí làm việc, hai bên có thể thỏa thuận hướng giải quyết phù hợp với lợi ích của hai bên. Trường hợp NSDLĐ vẫn giữ nguyên quan điểm hoặc từ chối làm việc với NLĐ, NLĐ có thể soạn thảo Đơn khiếu nại gửi NSDLĐ. Đây sẽ là chứng cứ thể hiện NLĐ đã thực hiện việc khiếu nại lần đầu đến NSDLĐ, sau đó NLĐ có thể tiếp tục thực hiện khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

NLĐ có thể yêu cầu Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính giải quyết khiếu nại lần hai khi NLĐ không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của NSDLĐ hoặc đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

4. Hòa giải viên lao động

NLĐ có thể yêu cầu hòa giải viên giải quyết tranh chấp với NSDLĐ. Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.

5. Hội đồng trọng lao động

Trường hợp NLĐ và NSDLĐ đồng ý giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài lao động thì hai bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật.

6. Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Sau khi không thể thương lượng thành công với NSDLĐ, đa số NLĐ đã thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền bởi tính tối ưu của phương thức này.

Thứ nhất, tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, như vậy NLĐ có thể trực tiếp khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Thứ hai, NLĐ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí khi NLĐ khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp vì chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Để được miễn tạm ứng án phí, án phí thì NLĐ cần nộp Đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.

Thứ ba, trường hợp Tòa án ban hành bản án/ quyết định có lợi cho NLĐ thì NLĐ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc NSDLĐ thi hành bản án/ quyết định của Tòa án. Đây có lẽ là sự tối ưu nhất của phương thức khởi kiện bởi lẽ khi giải quyết theo các phương thức khác, kể cả khi NSDLĐ và NLĐ đã ký kết thỏa thuận có lợi cho NLĐ mà NSDLĐ không thực hiện thì NLĐ không có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc NSDLĐ thực hiện thỏa thuận mà NLĐ tiếp tục thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.

7. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác

NLĐ có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức khác giải quyết quyền lợi cho mình như cơ quan bảo hiểm xã hội (trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến bảo hiểm như NSDLĐ không đóng đủ bảo hiểm cho NLĐ, NSDLĐ không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho NLĐ,…), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính,…

Ngoài ra, NLĐ có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ pháp lý từ luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực lao động. Luật sư sẽ đề xuất hướng giải quyết, soạn thảo các văn bản, tư vấn và đại diện cho NLĐ trong quá trình bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

Trên đây là bài viết “Người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật – Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nào giải quyết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ.

Trân trọng,