Trong hoạt động kinh doanh thương mại hiện nay, Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Hợp đồng góp vốn đầu tư và Hợp đồng có đối tượng là bất động sản là 3 loại Hợp đồng thương mại phổ biến và hay phát sinh tranh chấp trên thực tế. Vì vậy khi rà soát 3 loại Hợp đồng thương mại này thì các doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ để giảm thiểu rủi ro phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện Hợp đồng. Tại Phần 1 của bài viết này, TNTP sẽ phân tích làm rõ các vấn đề khi rà soát Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

1. Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là gì?

Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là loại hợp đồng phổ biến nhất hiện nay.

Căn cứ vào Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005, có thể hiểu hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. Bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

Còn hợp đồng cung ứng dịch vụ là thỏa thuận mà một bên (bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận theo Khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại 2005.

2. Những lưu ý khi rà soát Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

a) Nếu doanh nghiệp là bên mua trong Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì doanh nghiệp cần lưu ý các điều khoản sau:

    • Chất lượng của hàng hóa, dịch vụ: Trong Hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ chính là hàng hóa, dịch vụ, bên mua chắc chắn sẽ quan tâm đến chất lượng của hàng hóa, dịch vụ. Khi rà soát hợp đồng, Bên mua cần kiểm tra và đối chiếu các quy định về chất lượng có đảm bảo rõ ràng, chính xác, đầy đủ các tiêu chí về chất lượng hàng hóa hay chưa (kiểu dáng, kích thước, mẫu mã, chất liệu, độ co dãn, …)? Ngoài ra, quy định về tiêu chí xác định, cơ quan, tổ chức thẩm định khi có tranh chấp về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng là một nội dung mà bên mua có thể bổ sung để phòng tránh rủi ro.
    • Giá của hàng hóa, dịch vụ: Cần ghi rõ tổng giá trị của Hợp đồng, đã bao gồm thuế Giá trị gia tăng hay chưa. Bên mua cần lưu ý đồng tiền thanh toán là Việt Nam Đồng, trừ một số trường hợp Nhà nước cho phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp Hợp đồng được ký và thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thì bên mua nên để một loại đồng tiền thanh toán duy nhất là Việt Nam Đồng.
    • Điều khoản về sự kiện bất khả kháng: Thông thường, bên chậm trễ thực hiện hợp đồng do bất khả kháng là bên bán hoặc bên cung cấp dịch vụ. Vì vậy, bên mua cần xác định rõ các trường hợp được coi là bất khả kháng để tránh trường hợp bên vi phạm lợi dụng điều khoản bất khả kháng nhằm thoái thác trách nhiệm, viện dẫn lý do chậm trễ thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, trách nhiệm thông báo và thời hạn thông báo cho bên còn lại khi gặp sự kiện bất khả kháng cũng là một nội dung nên có trong điều khoản này.
    • Điều khoản về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đúng chất lượng hoặc giao hàng trễ: Để tránh rủi ro trong quá trình giao nhận hàng hóa theo Hợp đồng, Bên mua nên quy định điều khoản về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khi Bên bán cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đúng chất lượng hoặc giao hàng trễ.

Đối với quy định phạt vi phạm, Bên mua cần lưu ý rằng nếu trong hợp đồng các bên không thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm, khi xảy ra tranh chấp, Bên mua sẽ không có căn cứ để tiến hành phạt vi phạm đối với Bên bán. Trong điều khoản về phạt vi phạm, các bên có thể tự do thỏa thuận chế tài đối với hành vi vi phạm, tuy nhiên mức phạt không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo quy định tại Điều 301 Luật Thương Mại 2005.

Đối với điều khoản về bồi thường thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại không cần có sự thỏa thuận, tự nó sẽ phát sinh khi có đủ các yếu tố sau: có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Do đó, trên thực tế, khi các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh khi có đủ các yếu tố trên.

b) Nếu doanh nghiệp là bên bán trong Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì doanh nghiệp cần lưu ý các điều khoản sau:

    • Thời hạn thanh toán: Trong hợp đồng, thời hạn thanh toán có thể là một lần hoặc nhiều lần theo tiến độ của hợp đồng. Theo kinh nghiệm của TNTP, thời hạn thanh toán hợp lý là không quá 30 ngày kể từ ngày các bên chốt việc giao nhận hàng hóa/đối chiếu công nợ/xuất hóa đơn, tùy theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhỏ thì thời hạn thanh toán nên dưới 15 ngày. Trường hợp bên mua là tổ chức nước ngoài thực hiện phương thức thanh toán T/T, L/C, D/P, … thì thời hạn thanh toán có thể dài hơn.
    • Điều khoản về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khi thanh toán chậm: Trong phần này, TNTP sẽ hướng dẫn nêu rõ mức phạt vi phạm, mức tính bồi thường thiệt hại thay vì ghi chung chung “bồi thường theo thiệt hại thực tế” để tránh rủi ro và khó khăn khi phải chứng minh, xác định mức thiệt hại.

Theo quy định của pháp luật, mức phạt vi phạm hợp đồng không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Trong đó, giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm ở đây có thể là giá trị hàng hóa, dịch vụ mà bên vi phạm chưa thanh toán.

Đối với điều khoản về bồi thường thiệt hại, việc ghi chung chung “ bồi thường theo thiệt hại thực tế” sẽ gây khó khăn cho bên bán nếu tranh chấp xảy ra vì bên bán phải chứng minh có thiệt hại xảy ra và giá trị của thiệt hại đó. Vì vậy, để tránh xảy ra rủi ro, bên bán nên quy định rõ mức bồi thường thiệt hại. Ví dụ như các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại là 0.1%/ngày trên tổng giá trị hàng hóa mà bên mua thanh toán chậm. Có như vậy, khi xảy ra tranh chấp, Các bên cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định mức bồi thường thiệt hại vì đã có quy định cụ thể trong hợp đồng.

Trên đây là những nội dung mà TNTP đưa ra để giúp các doanh nghiệp có thể rà soát Hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ tốt hơn, ngăn ngừa rủi ro phát sinh tranh chấp và trong quá trình giải quyết tranh chấp. Hy vọng bài viết ” Ngăn ngừa rủi ro khi rà soát 3 loại Hợp đồng thương mại (Phần 1)” hữu ích với các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Một số vấn đề về việc xác minh địa chỉ của người bị kiện khi khởi kiện tại Tòa án.

Tham gia Fanpage GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ THU HỒI NỢ để có thêm thông tin pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com