Thế chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được áp dụng phổ biến trong thực tiễn hiện nay. Biện pháp này thường được sử dụng khi bên thế chấp làm thủ tục vay tại Ngân hàng thông qua các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp để đảm bảo cho khoản vay của mình. Có rất nhiều trường hợp khi đến hạn phải thanh toán toàn bộ khoản vay cho Ngân hàng nhưng bên thế chấp không thanh toán hoặc thanh toán không đủ, khoản nợ bị kéo dài nhiều năm dẫn đến phát sinh nợ xấu. Ngân hàng đã dựa trên các Hợp đồng đã ký và tiến hành xử lý tài sản thế chấp bằng phương thức đấu giá mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp. Việc này phát sinh tranh chấp về việc không bàn giao tài sản bảo đảm giữa các bên. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn về việc Ngân hàng có được quyền đấu giá tài sản thế chấp mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp tài sản hay không.
1. Ngân hàng được bán đấu giá tài sản thế chấp trong trường hợp nào?
• Căn cứ Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm, theo đó tài sản thế chấp có thể bị xử lý trong các trường hợp sau:
“1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.”
• Căn cứ Khoản 6 Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Nghĩa vụ của bên thế chấp, theo đó bên thế chấp có nghĩa vụ giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
Dựa trên các căn cứ trên, về nguyên tắc, Ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm và bên thế chấp có nghĩa vụ giao tài sản thế chấp khi không thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ của mình. Đồng thời, Ngân hàng phải thông báo bằng văn bản cho bên thế chấp trước khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, thông thường bên thế chấp sẽ cố gắng thỏa thuận với Ngân hàng nhưng hai bên không thống nhất được phương án giải quyết khoản nợ. Vì vậy, khi Ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản để xử lý tài sản, bên thế chấp là chủ sở hữu của tài sản thế chấp thường từ chối bàn giao và không hợp tác với Ngân hàng.
2. Bên thế chấp không đồng ý, Ngân hàng có được quyền tự ý đấu giá tài sản thế chấp hay không?
• Tiếp nối vấn đề trên, Ngân hàng chỉ được tự ý xử lý tài sản thế chấp khi có sự đồng ý của bên thế chấp, cụ thể theo Khoản 2 Điều 7 NQ 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo đó:
“Điều 7. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm
…
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự;
b) Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
c) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
d) Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.”
Như vậy, tại các Hợp đồng mà hai bên đã ký nếu không có nội dung thể hiện bên bảo đảm đồng ý cho Ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì Ngân hàng không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
• Căn cứ Khoản 6 Điều 52 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về Giao tài sản bảo đảm, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp; theo đó Trường hợp bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bảo đảm, để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, nếu không có sự đồng ý của bên thế chấp, Ngân hàng không được tự ý xử lý tài sản bằng bất kỳ biện pháp xử lý tài sản bảo đảm nào. Đồng thời, bên thế chấp sẽ không bàn giao tài sản cho Ngân hàng. Trong trường hợp này, hai bên phát sinh tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo đó, Ngân hàng có quyền đưa tranh chấp tới Tòa án yêu cầu được giải quyết.
Trên đây là những nội dung và chia sẻ pháp lý của TNTP về “Ngân hàng có được quyền đấu giá tài sản thế chấp mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp tài sản”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn đọc.
Trân trọng,