Trọng tài và Tòa án là hai hình thức giải quyết tranh chấp thương mại thường được các bên lựa chọn khi không thể thương lượng thành công. Mỗi hình thức đều có những đặc điểm, ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, trong bài viết này, TNTP sẽ làm rõ sự khác biệt, ưu điểm và hạn chế của hai hình thức giải quyết tranh chấp này để độc giả có thêm cơ sở để lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp và tối ưu nhất.

1. Ưu điểm và hạn chế của Tòa án và Trọng tài khi giải quyết tranh chấp thương mại

1.1 Ưu điểm và hạn chế của Tòa án

  • Ưu điểm:

– Bản án/quyết định thường có tính cưỡng chế thực hiện cao hơn phán quyết của Trọng tài.

– Mức án phí/tạm ứng án phí thấp hơn so với Trọng tài.

– Tạm ứng án phí có thể được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ theo Bản án/Quyết định của Tòa án.

– Xét xử công khai, mang tính răn đe.

  • Hạn chế:

– Trình tự thủ tục xét xử không linh hoạt, phải tuân theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.

– Việc lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp phải tuân theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.

– Thời gian giải quyết tranh chấp thường kéo dài lâu hơn so với giải quyết tại Trọng tài.

– Xét xử công khai nên sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên tranh chấp, hình ảnh, uy tín trên thị trường hay bí mật kinh doanh của các bên tranh chấp.

1. 2 Ưu điểm và hạn chế Trọng tài

  • Ưu điểm:

– Là phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Các bên có thể lựa chọn trọng tài vụ việc hoặc trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp, trọng tài viên giải quyết tranh chấp,…

– Trình tự thủ tục linh hoạt, thời gian giải quyết vụ án nhanh chóng.

– Phán quyết của Trọng tài mang tính chung thẩm (tức là hiệu lực cuối cùng và không bị kháng cáo như Bản án/Quyết định của Tòa án) và có giá trị như Bản án/Quyết định của Tòa án.

– Bảo mật thông tin vì giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

  • Hạn chế:

– Phí Trọng tài cao hơn nhiều so với Tòa án.

– Việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tốn nhiều thời gian và hạn chế hơn so với Tòa án.

– Phán quyết Trọng tài có thể bị xem xét hủy bởi Tòa án khi có đơn yêu cầu của một bên.

– Thi hành Phán quyết Trọng tài thường phức tạp hơn so với thi hành Bản án/quyết định của Tòa án.

2. Những điểm khác biệt về giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án và Trọng tài

Giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án:

  • Thẩm quyền:

– Có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về dân sự nói chung, tranh chấp về kinh doanh thương mại nói riêng.

– Không có thẩm quyền giải quyết và phải từ chối thụ lý vụ việc khi các bên có thỏa thuận trọng tài (trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được).

  • Thủ tục:

Một số bước cơ bản nhất khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án:

– Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn tại Tòa án có thẩm quyền.

– Hòa giải tiền tố tụng.

– Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

– Xét xử.

Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án có thể thực hiện qua hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm, Bản án/Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật còn có thể được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

  • Hiệu lực của Bản án/Quyết định của Tòa án:

Bản án/Quyết định của Tòa án có thể phải trải qua hai cấp xét xử là sơ thẩm, phúc thẩm và có thể được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái nên Bản án/Quyết định có thể thay đổi.

  • Thi hành Bản án/Quyết định của Tòa án:

Bản án/Quyết định của Tòa án có tính chất ràng buộc và được đảm bảo thi hành bởi các cơ quan thi hành án.

Giải quyết tranh chấp thương mại tại Trọng tài:

  • Thẩm quyền:

– Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài khi các bên có thỏa thuận trọng tài được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

– Những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Trọng tài:

– Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

– Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

– Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

  • Thủ tục:

Một số bước cơ bản nhất khi giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài:

– Nguyên đơn gửi Đơn khởi kiện tới Trung tâm Trọng tài.

– Nguyên đơn và Bị đơn chọn Trọng tài viên.

– Điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ.

– Hội đồng Trọng tài thông báo ngày của Phiên họp giải quyết tranh chấp.

– Các bên tranh chấp tham gia Phiên họp giải quyết tranh chấp.

– Phán quyết Trọng tài được ban hành.

Hiệu lực của Phán quyết Trọng tài:

– Phán quyết Trọng tài có tính chung thẩm, tức là phán quyết cuối cùng, buộc các bên phải thi hành.

– Tuy nhiên, Phán quyết Trọng tài có thể bị Tòa án tuyên hủy theo Điều 68, Điều 69 Luật Trọng tài thương mại 2010.

  • Thi hành Bản án/Quyết định của Tòa án:

– Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành Phán quyết Trọng tài.

– Hết thời hạn thi hành Phán quyết Trọng tài mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ Phán quyết Trọng tài theo Điều 69 của Luật Trọng tài thương mại 2010, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành Phán quyết Trọng tài.

– Đối với Phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành Phán quyết Trọng tài sau khi Phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật Trọng tài thương mại 2010.

– Việc thi hành Phán quyết Trọng tài được thực hiện theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự.

Như vậy, tùy vào vụ việc cụ thể và nhu cầu của mình mà các cá nhân và doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp thương mại nêu trên. Mỗi hình thức đều có đặc điểm và ưu điểm, hạn chế riêng, do vậy việc hiểu rõ tính chất của mỗi hình thức sẽ giúp các cá nhân và doanh nghiệp đưa ra lựa chọn phù hợp và tối ưu nhất.

Trên đây là chia sẻ kiến thức pháp lý của TNTP về “Nên lựa chọn Tòa án hay Trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại?”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.

Trân trọng.