Hợp đồng là một loại văn bản pháp lý không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, để đảm bảo cho việc thực hiện đúng Hợp đồng, các doanh nghiệp thường có điều khoản về phạt vi phạm Hợp đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường không hiểu rõ quy định của pháp luật về phạt vi phạm Hợp đồng. Doanh nghiệp cho rằng mức phạt vi phạm có thể được tùy ý thỏa thuận. Qua bài viết này, TNTP sẽ làm sáng tỏ những quy định của pháp luật cũng như đưa ra những tư vấn để doanh nghiệp cân nhắc khi lựa chọn mức phạt vi phạm trong Hợp đồng kinh doanh thương mại.

1. Quy định của pháp luật về mức phạt vi phạm trong Hợp đồng kinh doanh thương mại

Căn cứ theo Điều 301 Luật Thương mại 2005, mức phạt vi phạm là mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp phạt vi phạm khi kết quả giám định sai.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Như vậy, hiện nay, có hai quy định về mức phạt vi phạm trong Hợp đồng. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp thỏa thuận mức phạt vi phạm không thống nhất. Có doanh nghiệp lựa chọn mức phạt vi phạm tối đa không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Có doanh nghiệp cho rằng Bộ luật Dân sự là luật “mẹ”, bao trùm lên Luật Thương mại nên các bên vẫn được tùy ý thỏa thuận mức phạt vi phạm.

Đối với hai quan điểm trên, các doanh nghiệp lưu ý rằng:

Quy định tại Khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 có nội dung “trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, trường hợp luật chuyên ngành quy định khác với luật chung thì luật chuyên ngành sẽ được ưu tiên áp dụng. Đối với mức phạt vi phạm trong Hợp đồng kinh doanh thương mại, luật điều chỉnh là Luật Thương mại 2005 bởi Hợp đồng phát sinh trong quan hệ thương mại, có mục đích là kiếm lời.

Vì vậy, doanh nghiệp phải áp dụng mức phạt vi phạm của Luật Thương mại 2005. Mức phạt vi phạm của Bộ luật Dân sự 2015 chỉ được áp dụng trong phạm vi các hợp đồng dân sự như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng cho vay, hợp đồng mua bán tài sản, …

2. Tư vấn mức phạt vi phạm cho doanh nghiệp

Hiện tại, mặc dù pháp luật không cấm các doanh nghiệp thỏa thuận mức phạt vi phạm khác lớn hơn, song nếu phát sinh tranh chấp và doanh nghiệp khởi kiện tại Cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan giải quyết tranh chấp vẫn chỉ cho phép áp dụng mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ Hợp đồng bị vi phạm, còn phần thỏa thuận vượt quá 8% sẽ không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.

Vì vậy, doanh nghiệp cần xác định rõ rằng:

Trường hợp mức phạt vi phạm trong Hợp đồng kinh doanh thương mại mà các bên thỏa thuận lớn hơn 8% giá trị phần nghĩa vụ Hợp đồng bị vi phạm, khi tranh chấp phát sinh, nếu doanh nghiệp vẫn muốn áp dụng mức phạt vi phạm theo thỏa thuận thì doanh nghiệp chỉ có thể giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng.

Nếu doanh nghiệp khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền thì doanh nghiệp chỉ được yêu cầu mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ Hợp đồng bị vi phạm.

Trên đây là những phân tích pháp lý của TNTP về mức phạt vi phạm trong Hợp đồng kinh doanh thương mại. Dựa vào phân tích trên và nhu cầu của mình, doanh nghiệp có thể cân nhắc để đưa ra mức phạt vi phạm Hợp đồng phù hợp. Hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Tranh chấp thương mại – Doanh nghiệp tính lãi chậm trả theo luật nào?

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com