Mối quan hệ giữa Nhà nước và Doanh nghiệp luôn là một mối quan hệ chặt chẽ. Nhà nước ban hành quy định, chính sách quản lý và Doanh nghiệp tuân thủ các chính sách quản lý đó bằng việc thực hiện các thủ tục hành chính. Trong bài viết này, chúng ta sẽ bàn về vấn đề “Mối quan hệ giữa Nhà nước – Doanh nghiệp và thủ tục hành chính”.

1. Các khó khăn của Doanh nghiệp khi làm việc và kết nối với cơ quan nhà nước (“CQNN”)

 Thứ nhất, quy định về thẩm quyền giải quyết của các cơ quan còn phức tạp, chồng chéo. Để được giải quyết một vụ việc, thông thường doanh nghiệp sẽ phải làm việc với nhiều cơ quan. Trong khi đó, chỉ với riêng một cơ quan, Doanh nghiệp đã phải lên làm việc nhiều lần. Khi phải làm việc với nhiều cơ quan, số thời gian này được nhân lên rất nhiều lần. Bên cạnh đó, khi quy định pháp luật không thống nhất, Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khi Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, quy định của pháp luật xác định CQNN cụ thể có thẩm quyền giải quyết, tuy nhiên, khi Doanh nghiệp làm việc trực tiếp thì CQNN đó lại phản hồi rằng trách nhiệm thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp dưới hoặc cấp trên hoặc một cơ quan khác. Như vậy, chỉ nói đến vấn đề xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết, Doanh nghiệp đã gặp phải không ít khó khăn.

Thứ hai, một số quy định về trình tự, thủ tục chưa rõ ràng, đôi khi việc giải quyết vụ việc sẽ phụ thuộc vào quan điểm của từng CQNN đối với quy định pháp luật. Điều này làm cho Doanh nghiệp khá lúng túng khi làm việc với CQNN.

Đơn cử như trong cùng một vụ việc, quan điểm giữa cơ quan cấp dưới và cơ quan chủ quản trực tiếp cũng đã có sự khác biệt, hoặc quan điểm của những người phụ trách giải quyết trong cùng một cơ quan cũng không được thống nhất. Nguyên do của việc này một phần đến từ việc phát sinh các cách hiểu khác nhau trong một điều khoản của văn bản pháp luật, một phần đến từ sự thiếu thống nhất trong nội bộ của cơ quan nhà nước.

Thứ ba, tình trạng “nhũng nhiễu” khi làm việc với CQNN vẫn còn tồn tại. Trong quá trình làm việc với CQNN, Doanh nghiệp đôi khi phải chi trả cho những khoản không chính thức để đảm bảo thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

2. Giải pháp giải quyết mối quan hệ giữa CQNN và Doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính

 Thứ nhất, khi nhận hồ sơ của Doanh nghiệp, CQNN cần có văn bản xác nhận, ghi rõ thời gian nhận hồ sơ của Doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp Doanh nghiệp có đầy đủ tài liệu để dễ dàng hơn trong việc phối hợp với nhiều CQNN có thẩm quyền trong cùng một vụ việc.

Thứ hai, CQNN nên phản hồi bằng văn bản khi trả lời về các hồ sơ của Doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quá trình giải quyết hồ sơ cho Doanh nghiệp, cũng như đảm bảo cho các CQNN cấp trên và cấp dưới có liên quan nắm rõ được quá trình giải quyết hồ sơ của Doanh nghiệp.

Thứ ba, CQNN cập nhật kịp thời, công bố công khai các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Cùng với đó, CQNN tăng cường kỷ luật, kỷ cương  hành chính, đánh giá lại chất lượng đội ngũ công chức thực hiện dịch vụ hành chính công; tổ chức triển khai thiết lập đa dạng kênh thông tin, để tiếp cận các phản ánh, kiến nghị của Doanh nghiệp về quy định hành chính.

Thứ tư, CQNN cần hoàn thiện và áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2021 vừa qua, tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19 khiến cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và nhiều lĩnh vực khác gặp nhiều khó khắn. Vượt qua những khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành phố đã áp dụng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, Doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa có hướng dẫn cụ thể khiến cho Doanh nghiệp vẫn bị lúng túng khi thực hiện. Do đó, CQNN cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ năm, các CQNN cần phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn hơn nữa giữa các cấp, các ngành để giúp mối quan hệ giữa Doanh nghiệp và Nhà nước hài hòa, giúp Doanh nghiệp đạt được hiệu quả khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Trên đây là một vài vấn đề được đưa ra để cùng bàn luận về mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít giữa Nhà nước và Doanh nghiệp. Hy vọng bài viết của chúng tôi là hữu ích cho các bạn và công việc của các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc: Sự cần thiết của hoạt động thu hồi công nợ đối với doanh nghiệp

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ để có thêm kiến thức pháp lý hữu ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com