Khái niệm về giao dịch dân sự gần tương đồng với khái niệm về hợp đồng. Vậy giữa hợp đồng và giao dịch dân sự có mối liên hệ như thế nào? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích một số khía cạnh của giao dịch dân sự và hợp đồng để làm rõ mối liên hệ này.

1. Khái niệm về giao dịch dân sự

Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong đó, hợp đồng là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của hai hay nhiều chủ thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản,… Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch chỉ thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền nghĩa vụ như lập di chúc, hứa thưởng, thi có giải,…

Như vậy, theo định nghĩa trên, giao dịch dân sự mang những đặc điểm sau:

  • Thứ nhất, giao dịch dân sự luôn thể hiện ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Dù thể hiện dưới hình thức là hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương thì giao dịch dân sự luôn là hành vi có ý thức của chủ thể tham gia nhằm đạt được những mục đích, mong muốn nhất định. Cụ thể, trong trường hợp giao dịch dân sự là hợp đồng thì đó là sự thể hiện và thống nhất ý chí của các bên chủ thể; còn đối với trường hợp giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương thì đó là sự thể hiện ý chí của một bên chủ thể. Vì vậy, nếu giao dịch dân sự không có sự thể hiện ý chí của chủ thể tham gia, hoặc có sự thể hiện ý chí của chủ thể tham gia nhưng do bị nhầm lẫn, bị chủ thể khác cưỡng ép, đe dọa, lừa dối thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.
  • Thứ hai, mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp, không trái đạo đức xã hội mà các bên cùng hướng tới. Giao dịch dân sự phát sinh hiệu lực khi mục đích của giao dịch dân sự được chứng minh hoặc được thừa nhận là hợp pháp, không trái đạo đức xã hội, từ đó quyền và nghĩa vụ của các bên mới có thể thực hiện được trên thực tế.

Thứ ba, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự đều hướng đến phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền, nghĩa vụ cho các chủ thể. Giao dịch dân sự là hành vi của một hay nhiều chủ thể nhằm hướng tới các hậu quả pháp lý sau:

  • Một là, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự: đây là trường hợp giao dịch dân sự làm xác lập quyền và nghĩa vụ cho các bên chủ thể trong giao dịch.
  • Hai là, làm thay đổi quyền và nghĩa vụ dân sự: đây là trường hợp giữa các bên đã tồn tại quyền và nghĩa vụ với nhau, sau đó các bên xác lập giao dịch dân sự nhằm thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung và từ đó làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của mình cũng như của bên kia.
  • Ba là, làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự: đây là trường hợp giữa các bên chủ trong giao dịch dân sự đã tồn tại quyền và nghĩa vụ với nhau. Sau đó, các bên chủ thể xác lập giao dịch để làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đang tồn tại giữa các bên.

2. Mối liên hệ giữa giao dịch dân sự và hợp đồng

Theo khái niệm về giao dịch dân sự được trình bày tại phần 1 bài viết, có thể khẳng định, hợp đồng là một hình thức của giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự bao gồm hành vi pháp lý đơn phương và hợp đồng. Khác với hành vi pháp lý đơn phương được xác lập chỉ do ý chí của một bên, hợp đồng được xác lập giữa ít nhất là hai bên. Quan hệ hợp đồng bao gồm những cặp chủ thể tương ứng là bên có quyền và bên có nghĩa vụ. Tùy theo từng loại hợp đồng cụ thể mà các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được xác lập tương ứng.

Do giao dịch dân sự bao gồm hợp đồng nên các quy định pháp luật điều chỉnh giao dịch dân sự cũng sẽ điều chỉnh hợp đồng. Ví dụ, hợp đồng có hiệu lực cũng phải tuân thủ tất cả các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 là:

i) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập.

ii) Chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện.

iii) Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

iv) Hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp luật có quy định.

Theo Chương XVI của Bộ luật Dân sự 2015, một số loại hợp đồng thông dụng bao gồm: Hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ tài sản, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng hợp tác và hợp đồng về quyền sử dụng đất.

Trên đây là bài viết “Mối liên hệ giữa giao dịch dân sự và hợp đồng”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,