Hiện nay, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại ngày càng phổ biến và được ưa chuộng tại Việt Nam. Thay vì khởi kiện tại Tòa án, nguyên đơn sẽ đệ đơn khởi kiện và yêu cầu Trung tâm trọng tài giải quyết. Tuy nhiên, nguyên đơn cần lưu ý điều gì khi tham gia khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại? Hãy cùng theo dõi bài viết của TNTP dưới đây để tìm lời giải đáp.

1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương mại khi các bên có thỏa thuận trọng tài

Theo Khoản 1 Điều 5 Luật TTTM 2010, tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài khi và chỉ khi các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 16 Luật TTTM 2010, thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hai hình thức: Một là, điều khoản trọng tài; hoặc hai là thỏa thuận riêng. Trong đó, điều khoản trọng tài thường được xác định trong hợp đồng ký kết giữa các bên hoặc giữa các phụ lục hợp đồng. Còn thỏa thuận riêng thì các bên có thể xác lập tại thời điểm tranh chấp đã xảy ra mà trong hợp đồng không có quy định về điều khoản trọng tài.

Bên cạnh đó, để giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại, các bên cũng cần đảm bảo thỏa thuận trọng tài không bị vô hiệu theo quy định tại Điều 18 Luật TTTM 2010; hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.

2. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương khi còn thời hiệu khởi kiện

Về nguyên tắc, tố tụng trọng tài chỉ bắt đầu khi có đơn khởi kiện của nguyên đơn và đơn phải được gửi khi vụ tranh chấp còn thời hiệu khởi kiện.

Hiện nay, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp giải quyết bằng Trọng tài thương mại được xác định theo luật chuyên ngành. Nếu không có luật chuyên ngành hoặc luật chuyên ngành không có quy định về thời hiệu khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

3. Nguyên đơn lập và gửi Đơn khởi kiện

Đơn khởi kiện phải nêu đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài; đảm bảo đủ số bản Đơn khởi kiện cùng các tài liệu được yêu cầu khác trong hồ sơ khởi kiện (03 bản nếu thỏa thuận chọn Hội đồng trọng tài duy nhất, 05 bộ nếu thỏa thuận Hội đồng trọng tài gồm 03 trọng tài viên)

Tài liệu, chứng cứ kèm theo Đơn khởi kiện, nguyên đơn phải nộp thêm thỏa thuận trọng tài, chứng cứ và các tài liệu liên quan. Trong quá trình tố tụng trọng tài, nguyên đơn có thể được yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ , tài liệu bởi hội đồng trọng tài.

Về trọng tài viên, trong Đơn khởi kiện, nguyên đơn phải chọn trọng tài viên hoặc yêu cầu trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên. Việc chọn trọng tài viên nên cân nhắc một số yếu tố như: chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm, có uy tín và có xung đột lợi ích hay không ?

4. Nguyên đơn lưu ý khi quyết định giá trị khởi kiện

Theo quy định của tố tụng trọng tài, khi bắt đầu tham gia vụ kiện, nguyên đơn phải nộp phí trọng tài cho chính giá trị khởi kiện. Trường hợp nguyên đơn đưa ra giá trị khởi kiện quá cao và không hợp lý. Sau khi có phán quyết trọng tài, nguyên đơn không thắng kiện hoặc không thắng toàn bộ giá trị khởi kiện thì nguyên đơn phải chịu phí trọng tài phần không thắng kiện đó.

Do đó, các bên khi khởi kiện tại trung tâm trọng tài cần tính toán và đưa ra giá trị khởi kiện hợp lý, tránh tình trạng chịu mức phí trọng tài nhiều hơn cả giá trị thắng kiện thu về.

Với tính chất nhanh chóng, mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả, có tính chung thẩm cùng với các ưu thế khác, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại ngày càng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, để khởi kiện một cách hiệu quả, nguyên đơn cần lưu ý các nội dung TNTP đã phân tích ở trên.

Trên đây là nội dung bài viết “Lưu ý đối với nguyên đơn khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại”. Hi vọng bài viết này của TNTP sẽ hữu ích đối với bạn đọc.

Trân trọng.