Ngày 23 tháng 3 năm 2020, tại phiên giao dịch đầu tuần của thị trường chứng khoán Việt Nam, xu hướng bán tháo diễn ra khi nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi phiên giảm sâu của chứng khoán toàn cầu. Trong thời điểm thị trường chứng khoán đang có biến động mạnh, nhà đầu tư lại có thêm một nỗi lo lắng khi giao dịch tại công ty chứng khoán A bị lỗi hệ thống khiến nhà đầu tư không thể thực hiện được các giao dịch cần thiết trên hệ thống website trading. Tương tự đối với việc đăng nhập và thực hiện giao dịch trên nền tảng ứng dụng điện thoại di động của công ty chứng khoán A. Ngay sau đó, nhà đầu tư đã liên hệ đến công ty chứng khoán A theo số hotline được ghi trên website của công ty chứng khoán A để được hỗ trợ về giao dịch nhưng cũng không thể kết nối. Như vậy, mọi phương thức giao dịch tại công ty chứng khoán A đều không thể thực hiện.

Vậy công ty chứng khoán A có phải chịu trách nhiệm pháp lý nào cho việc để phát sinh lỗi hệ thống giao dịch gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động mua bán, giao dịch chứng khoán của các nhà đầu tư cũng như hành vi không cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư – các khách hàng của mình khi phát sinh lỗi hệ thống giao dịch hay không?

Trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc để phát sinh lỗi hệ thống giao dịch tại website/ứng dụng điện thoại di động?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Thông tư 134/2017/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán (“Thông tư 134”), công ty chứng khoán được yêu cầu ban hành quy trình thực hiện dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến bao gồm quy trình về xử lý sự cố; quy trình sao lưu dự phòng hệ thống, dữ liệu; quy trình kiểm soát rủi ro trong hoạt động cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cho nhà đầu tư, phải bố trí đội ngũ nhân viên có bằng cấp, chứng chỉ công nghệ thông tin về quản trị phần mềm, quản trị hệ thống và an ninh thông tin  để quản lý và giám sát các hoạt động của hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến đảm bảo liên tục và thông suốt.

Căn cứ theo Điều 15 của Thông tư 134, trang thông tin điện tử chính thức và phần mềm ứng dụng phục vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cho nhà đầu tư của công ty chứng khoán phải công bố các quy định về dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến và những rủi ro có thể xảy ra khi nhà đầu tư thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến, bao gồm các rủi ro: (i) trong khi truyền tải qua mạng internet, lệnh giao dịch có thể bị treo, bị ngừng, bị trì hoãn hoặc có lỗi dữ liệu, (ii) việc nhận dạng các tổ chức hoặc nhà đầu tư có thể không chính xác, lỗi về bảo mật có thể xảy ra; (iii) giá cả thị trường và các thông tin chứng khoán khác có thể có lỗi hoặc sai lệch; (iv) những rủi ro có thể xảy ra của các phương thức xác thực đặt lệnh cho nhà đầu tư; và (v) những rủi ro có thể xảy ra khác mà công ty chứng khoán thấy cần thiết phải công bố.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, công ty chứng khoán A không phải chịu xử phạt vi phạm hành chính từ việc để phát sinh lỗi hệ thống giao dịch tại website/ứng dụng điện thoại di động của mình. Tuy nhiên, công ty chứng khoán A có thể phải chịu xử phạt vi phạm hành chính từ hành vi không cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về việc hệ thống giao dịch bị lỗi cũng như không kịp thời hỗ trợ khách hàng khi xảy ra sự cố từ hệ thống giao dịch của mình.

Trách nhiệm của công ty chứng khoán cho hành vi không cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư khi phát sinh lỗi hệ thống giao dịch?

Theo Điều 6.18 của Luật Chứng khoán 2006, thị trường giao dịch chứng khoán là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán. Như vậy, thị trường giao dịch chứng khoán có thể diễn ra tại một địa điểm nhất định, khi các nhà đầu tư sử dụng ký hiệu tay và lời nói để thực hiện quá trình giao dịch. Bên cạnh đó, thị trường giao dịch chứng khoán cũng có thể được thực hiện thông qua các hình thức trao đổi thông tin như sử dụng hệ thống điện tử, máy tính hiện đại để phối kết hợp thực hiện các khâu trong giao dịch chứng khoán. Dù tiếp cận thị trường giao dịch chứng khoán theo cách thức nào, công ty chứng khoán A có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin cho khách hàng theo Khoản 3 Điều 71 của Luật Chứng khoán 2006.

Như vậy, khi công ty chứng khoán A phát sinh lỗi hệ thống giao dịch đối với website/ứng dụng điện thoại di động, công ty chứng khoán A có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin cho khách hàng trong việc (i) thông báo về lỗi hệ thống giao dịch, (ii) thông báo về phương án bảo trì hệ thống, và (iii) chăm sóc khách hàng và đưa ra các phương án hỗ trợ tối ưu cho khách hàng của mình trong trường hợp khách hàng bị gián đoạn giao dịch do lỗi hệ thống phát sinh.

Căn cứ theo Điểm d, Điểm đ Khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, công ty chứng khoán A sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi có hành vi không cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, trung thực cho khách hàng; bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi không thiết lập bộ phận thông tin liên lạc với khách hàng và giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Kết luận

Như vậy, trong trường hợp này, công ty chứng khoán A không bị xử lý vi phạm hành chính về việc để phát sinh lỗi hệ thống giao dịch tại website/ứng dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, công ty A có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong việc không cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, trung thực cho khách hàng về sự cố, các phương án xử lý sự cố và các nghiệp vụ cần thiết để hỗ trợ khách hàng. Trong trường hợp công ty chứng khoán A không thiết lập bộ phận thông tin liên lạc với khách hàng và giải quyết khiếu nại của khách hàng, công ty chứng khoán A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như đã phân tích ở trên.

Hy vọng bài viết này là hữu ích cho các bạn và công việc.

Trân trọng.

 

Có thể bạn quan tâm đến: Giải quyết tranh chấp: Cuộc chiến tâm lý hay cuộc chiến pháp lý

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Địa chỉ: Tầng 4 số 200 Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư: Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com