Ký quỹ là biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Thông thường, bên có nghĩa vụ sẽ gửi một khoản tiền vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng, trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bị vi phạm thì tổ chức tín dụng sẽ sử dụng tiền ký quỹ để thanh toán nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại cho bên có quyền sau khi trừ phí dịch vụ. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: biện pháp ký quỹ.

1. Khái niệm ký quỹ

Căn cứ Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”) thì Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Theo quy định trên thì tài sản không được sử dụng để ký quỹ bao gồm: động sản, ngoại trừ kim khí quý hoặc đá quý, bất động sản và quyền tài sản. Ba bên tham gia vào giao dịch ký quỹ bao gồm bên có nghĩa vụ (bên ký quỹ), bên có quyền (bên có quyền trong ký quỹ) và tổ chức tín dụng.

Hiệu lực đối kháng của biện pháp ký quỹ với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

2. Điều kiện có hiệu lực của ký quỹ

Hợp đồng ký quỹ được coi là giao dịch dân sự, nên để hợp đồng này phát sinh hiệu lực, các bên cần tuân thủ quy định tại Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, chủ thể tham gia vào hợp đồng phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập, chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Mặc dù BLDS không quy định cụ thể về hình thức của ký quỹ, tuy nhiên trường hợp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về hình thức của ký quỹ, các bên cần tuân thủ quy định này để hợp đồng ký quỹ phát sinh hiệu lực.

3. Việc gửi, thanh toán tiền được dùng để ký quỹ

• Khoản tiền được dùng để ký quỹ (sau đây gọi là tiền ký quỹ) được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng theo thỏa thuận hoặc do bên có quyền chỉ định để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

• Tiền ký quỹ và việc ký quỹ một lần hoặc nhiều lần do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

• Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

4. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ

Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ có quyền, nghĩa vụ như sau:

• Hưởng phí dịch vụ;

• Yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận về ký quỹ để được thanh toán nghĩa vụ từ tiền ký quỹ;

• Thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ;

• Hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

5. Quyền, nghĩa vụ của bên ký quỹ

Bên ký quỹ có quyền, nghĩa vụ như sau:

• Thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên có quyền;

• Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ; được trả lãi trong trường hợp có thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ;

• Rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp bên có quyền đồng ý;

• Nộp đủ tiền ký quỹ tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

6. Quyền, nghĩa vụ của bên có quyền trong ký quỹ

Bên có quyền trong ký quỹ có quyền, nghĩa vụ như sau:

• Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ;

• Thực hiện đúng thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ trong trường hợp yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Trên đây là bài viết “Ký quỹ – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,