Với xu hướng hội nhập, mở cửa nền kinh tế, Việt Nam liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện giao dịch với thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp rủi ro khi giao kết Hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài. Vậy doanh nghiệp nên lưu ý những nội dung gì để kiểm soát rủi ro khi giao kết Hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài? Tại phần 1 của chuyên đề này, TNTP sẽ phân tích những lưu ý về chủ thể và hình thức khi các bên ký kết Hợp đồng.
I. Khái quát về Hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài
Theo Điều 1 Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế thì Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là Hợp đồng được ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau. Theo Khoản 1 Điều 27 Luật Thương Mại 2005 (“Luật Thương mại”) thì: “Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu”. Trong đó, phổ biến nhất là quan hệ xuất nhập khẩu, theo đó, một bên được gọi là Bên xuất khẩu có nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho một bên khác gọi là Bên nhập khẩu và nhận thanh toán; và Bên nhập khẩu có nghĩa vụ thanh toán cho Bên xuất khẩu, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
II. Những lưu ý khi soạn thảo Hợp đồng mua bán quốc tế
1. Kiểm soát rủi ro khi xác định thẩm quyền chủ thể ký kết Hợp đồng
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xảy ra tranh chấp Hợp đồng với thương nhân nước ngoài xuất phát từ nguyên nhân không kiểm tra kỹ tư cách pháp lý và ký kết Hợp đồng sai thẩm quyền.
Theo pháp luật Việt Nam, chỉ người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền hợp pháp mới có thẩm quyền ký kết Hợp đồng. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty thường quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật, trong đó có thẩm quyền ký kết Hợp đồng. Ngược lại, ví dụ, pháp luật nước Anh lại không có quy định cụ thể về ủy quyền. Các án lệ tại Anh công nhận sự ủy quyền mặc nhiên, nghĩa là một giám đốc điều hành khi thực hiện nhiệm vụ điều hành công ty thì có quyền thực hiện những công việc của giám đốc điều hành thường làm nên có thể không bắt buộc giấy ủy quyền.
Như vậy, khi giao kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu các quy định về thẩm quyền và ủy quyền của quốc gia đối tác, đồng thời yêu cầu đối tác cung cấp tài liệu để chứng minh hoặc cam kết đối tác đó có thẩm quyền ký kết Hợp đồng. Một số loại tài liệu doanh nghiệp Việt Nam nên yêu cầu đối tác cung cấp có thể kể đến bao gồm nhưng không giới hạn tài liệu chứng minh lịch sử hoạt động, giấy phép kinh doanh và các giấy tờ pháp lý liên quan đến pháp nhân.
2. Kiểm soát rủi ro về hình thức Hợp đồng
Hiện nay, nhiều quốc gia là thành viên của Công ước viên 1980 quy định hình thức Hợp đồng không nhất thiết là văn bản viết, các bên có thể sử dụng hình thức phi văn bản. Công ước viên 1980 quy định: “Hợp đồng mua bán không cần phải được ký kết bằng văn bản hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức Hợp đồng, Hợp đồng có thể chứng minh bằng mọi cách, kể cả lời khai nhân chứng.”
Việt Nam đã tham gia Công ước Viên 1980 vào năm 2015 nhưng lại bảo lưu quy định về hình thức Hợp đồng. Theo đó, tại khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại: “Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở Hợp đồng bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Như vậy, Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được công nhận có hiệu lực khi được thể hiện bằng văn bản, cũng như mọi sự thay đổi bổ sung phải được lập thành văn bản.
Trong quy định pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, Hợp đồng thương mại quốc tế thường được quy định là phải xác lập dưới hình thức văn bản. Các hình thức có giá trị pháp lý tương đương bao gồm email, điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Trong thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận những Hợp đồng ký theo hình thức số hóa, mua bán trực tuyến, bản fax, thư điện tử,… có giá trị pháp lý như hình thức văn bản.
Khi giao kết hợp đồng, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu pháp luật của quốc gia sẽ điều chỉnh việc thực hiện và giải quyết tranh chấp liên quan đến Hợp đồng để lựa chọn hình thức Hợp đồng hợp pháp. Bởi lẽ, nếu các bên giao kết Hợp đồng theo hình thức phi văn bản như lời nói, hành vi,… nhưng lại lựa chọn pháp luật điều chỉnh của Hợp đồng là pháp luật Việt Nam thì Hợp đồng được coi là vi phạm quy định về hình thức.
Nếu Hợp đồng vi phạm về hình thức, Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài tại Việt Nam có thể tuyên bố Hợp đồng vô hiệu. Khi giao kết Hợp đồng mua bán quốc tế, các bên nên soạn thảo Hợp đồng bằng văn bản vì các nội dung sẽ được thể hiện rõ ràng, thuận tiện cho việc các bên thực hiện Hợp đồng và là căn cứ quan trọng cho việc giải quyết tranh chấp (nếu có).
Trên đây là phần 1 bài viết các “Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp khi giao kết Hợp đồng với thương nhân nước ngoài”. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn đọc. Những lưu ý quan trọng khác TNTP sẽ đề cập trong những phần tiếp theo.
Trân trọng,