Thu hồi nợ là một biện pháp thu hồi công nợ hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp nói chung và trong vấn đề thu hồi công nợ nói riêng. Đây là một phương pháp giải quyết công nợ tương đối phổ biến và được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra những ý kiến về việc khởi kiện thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng có hiệu quả không.

1. Khởi kiện thu hồi nợ là gì

Khởi kiện là việc bên nợ tiến hành nộp Đơn khởi kiện cùng các tài liệu liên quan đến các cơ quan giải quyết tranh chấp bao gồm Tòa án có thẩm quyền và Trung tâm trọng tài thương mại. Việc khởi kiện nhằm mục đích đề nghị đến các cơ quan giải quyết tranh chấp ban hành một văn bản có giá trị pháp lý, cũng như có giá trị để thi hành án bao gồm: Phán Quyết trọng tài đối với Trọng tài thương mại; và Quyết định/ Bản án có hiệu lực pháp luật đối với Tòa án có thẩm quyền.

Các Phán Quyết/ Quyết định/ Bản án có hiệu lực pháp luật được căn cứ vào các quy định của pháp luật cũng như các thông tin, tài liệu chứng cứ của vụ án. Do đó việc thi hành án sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ nhân danh quyền lực nhà nước để tiến hành các biện pháp thi hành án cần thiết, điều này đảm bảo bên nợ buộc phải thi hành án và thanh toán khoản nợ.

Vì các lý do trên, khởi kiện là một biện pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thu hồi công nợ.

2. Ưu điểm và nhược điểm của việc khởi kiện thu hồi công nợ

a) Ưu điểm

– Việc chấp nhận yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp được cơ quan giải quyết tranh chấp căn cứ theo nội dung tài liệu chứng minh giao dịch của các bên như hợp đồng và các quy định liên quan của pháp luật, do đó nếu doanh nghiệp có căn cứ chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp thì Tòa án hoặc Trung tâm trọng tài sẽ chấp nhận yêu cầu này.

– Việc khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật giúp đảm bảo tính minh bạch.

– Phán quyết, Quyết định/ Bản án có giá trị pháp lý sẽ có giá trị thi hành án buộc bên nợ phải tuân thủ bất kể họ có muốn hay không.

– Cơ quan thi hành án sẽ nhân danh quyền lực nhà nước để tiến hành các biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu bên nợ không hợp tác. Do đó đảm bảo khoản nợ được thu hồi hiệu quả.

b) Nhược điểm

– Phán quyết, Quyết định/ Bản án có thể bị kháng cáo, kháng nghị dẫn đến vụ việc bị kéo dài. Trường hợp Phán quyết, Quyết định/ Bản án bị kháng cáo, kháng nghị thành công thì yêu cầu của doanh nghiệp sẽ không được chấp nhận.

– Nếu doanh nghiệp không có đủ căn cứ, tài liệu chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình thì Tòa án hoặc Trung tâm trọng tài sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

– Doanh nghiệp sẽ phải đóng Án phí, lệ phí tòa án trước khi các cơ quan này giải quyết tranh chấp. Số tiền phải nộp tùy thuộc vào giá trị khoản tiền yêu cầu bên nợ thanh toán nên có thể sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

– Thủ tục thi hành án sẽ không hiệu quả nếu bên nợ không còn hoạt động hoặc không còn tài sản để thực hiện thi hành án. Khi đó quá trình thi hành án có thể kéo dài, một số giai đoạn thi hành án cũng sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải đóng phí

3. Như vậy việc khởi kiện thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng có hiệu quả không?

Từ những yếu tố trên, có thể thấy tuy việc khởi kiện thu hồi công nợ có nhiều ưu điểm, phương pháp này cũng có nhiều hạn chế nhất định mà quan trọng nhất là việc doanh nghiệp có đủ căn cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình hay không?; Và việc sau khi đã có Phán quyết, Quyết định/ Bản án có hiệu lực pháp luật và đủ điều kiện để thi hành án thì bên nợ còn có thể thanh toán khoản nợ hay không?

Vì các lý do trên, doanh nghiệp cần căn cứ theo vụ việc của mình, khả năng tài chính cũng như giá trị của khoản nợ để cân nhắc lựa chọn việc khởi kiện thu hồi nợ đem lại giá trị cao nhất cho mình.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Khởi kiện thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng có hiệu quả không?”. Mong rằng bài viết này sẽ có ích với các độc giả.

Trân trọng,