Hợp đồng vay tiền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay sẽ giao cho bên vay một khoản tiền, khi hết thời hạn vay, bên vay phải hoàn trả khoản tiền đó kèm theo lãi suất nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Hiện nay, những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vay tiền xảy ra khá thường xuyên. Để hạn chế rủi ro khi cho vay, các bên nên lập hợp đồng thành văn bản và thỏa thuận nội dung cụ thể, rõ ràng. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày các nội dung cơ bản mà các bên cần chú ý khi soạn thảo hợp đồng vay tiền.

I. Thông tin của các bên trong hợp đồng vay tiền

Các bên trong hợp đồng vay tiền có thể là cá nhân và/hoặc pháp nhân. Nếu một hoặc các bên là pháp nhân thì cần có các thông tin cơ bản sau: Tên pháp nhân, mã số thuế, địa chỉ trụ sở chính, thông tin liên hệ (số điện thoại/email), người đại diện tham gia ký kết hợp đồng (thông thường sẽ là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện được ủy quyền). Nếu là người đại diện theo ủy quyền thì cần đảm bảo là có giấy ủy quyền hợp lệ.

Nếu một hoặc các bên là cá nhân thì hợp đồng cần có các thông tin cơ bản sau: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, căn cước công dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ pháp lý tương đương khác, địa chỉ, thông tin liên hệ (số điện thoại/email) của cá nhân.

II. Số tiền vay

Pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế về số tiền vay trong hợp đồng vay, do đó, các bên trong hợp đồng có thể tự do thỏa thuận về nội dung này. Tuy nhiên, các bên cần lưu ý rằng, giao dịch vay tiền được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thì đối tượng của hợp đồng vay phải là đồng Việt Nam (Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN), trừ những chủ thể đặc biệt theo quy định pháp luật. Nếu số tiền vay là ngoại tệ thì hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật và có thể bị tuyên vô hiệu. Khi đó các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bên còn lại phải bồi thường thiệt hại.

III. Thời hạn hợp đồng vay

Hợp đồng vay tiền cần quy định rõ thời hạn vay, hay nói cách khác là khoảng thời gian để bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Thời gian có thể là ngày, tháng, năm,… Nếu quá thời hạn này mà bên vay không trả đầy đủ tiền cho bên cho vay thì bên vay được xác định là vi phạm hợp đồng kể từ ngày liền kề sau ngày kết thúc thời hạn. Lãi chậm trả cũng sẽ áp dụng kể từ ngày bên vay vi phạm nghĩa vụ hoàn trả khoản vay.

IV. Lãi suất

Trong hợp đồng vay tiền, các bên cần phải xác định cụ thể về lãi suất cho vay, lãi suất chậm trả nợ gốc, lãi suất chậm trả nợ lãi. Đối với các loại lãi suất này, các bên được tự do thỏa thuận, tuy nhiên phải tuân thủ mức tối đa được quy định trong các văn bản pháp luật, cụ thể như sau: Đối với lãi suất cho vay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Đối với lãi suất chậm trả nợ gốc, theo Điểm c Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, mức lãi suất tối đa là 30%/năm. Đối với lãi suất chậm trả nợ lãi, theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất tối đa là 10%/năm, trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

V. Các biện pháp đảm bảo hợp đồng vay tiền

Để đảm bảo bên vay thực hiện nghĩa vụ trả tiền, bên cho vay có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp bảo đảm khác nhau và quy định rõ biện pháp này trong hợp đồng hoặc ký kết hợp đồng riêng. Các biện pháp bảo đảm thường được áp dụng như sau: Thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lãnh.

VI. Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp

Việc lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp trong hợp đồng vay tiền có vai trò rất quan trọng. Nếu các bên quy định không rõ ràng có thể dẫn đến hậu quả pháp lý bất lợi đối với một hoặc các bên trong hợp đồng. Ngoài ra, việc xác định cơ quan giải quyết tranh chấp trong hợp đồng cũng sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại, chi phí kiện tụng và chi phí thuê luật sư khi khởi kiện. Vì vậy, tùy thuộc vào việc bảo vệ quyền lợi cho bên nào trong hợp đồng, người soạn thảo cần đảm bảo hợp đồng có quy định pháp luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp có lợi nhất cho khách hàng của mình.

Lưu ý, đối với hợp đồng vay tiền giữa bên vay hoặc bên cho vay là người nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì các bên có thể lựa chọn luật áp dụng là pháp luật nước ngoài và cơ quan giải quyết tranh chấp tại nước ngoài.

Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo những nội dung cơ bản trong hợp đồng vay tiền” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,