Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Theo đó, các bên tự do thỏa thuận về các điều khoản trong hợp đồng. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ đưa ra một số điều khoản cơ bản cần có trong hợp đồng tặng cho tài sản để bạn đọc tham khảo.

1. Thông tin của các bên

Hợp đồng tặng cho tài sản cần thể hiện rõ ràng và đầy đủ thông tin của các bên, bao gồm: Bên tặng cho và bên được tặng cho. Nếu là cá nhân cần cung cấp các thông tin chi tiết như họ và tên, thông tin căn cước công dân, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email,… Nếu là pháp nhân cần cung cấp tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số thuế và thông tin của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện được ủy quyền.

2. Đối tượng của hợp đồng

Các bên cần quy định cụ thể về tài sản tặng cho, ví dụ như tên tài sản, số lượng, chất lượng, nguồn gốc/xuất xứ, giá trị,… Khi thực hiện việc tặng cho, bên được tặng cho cần chú ý những điều kiện sau về tài sản tặng cho: i) Tài sản phải được phép giao dịch; ii) Tài sản phải thuộc sở hữu của người tặng cho tài sản; iii) Tài sản đang không bị tranh chấp về quyền sở hữu; iv) Tài sản đang không bị kê biên để thi hành án.

3. Điều kiện tặng cho tài sản

Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Trường hợp tặng cho có điều kiện, điều kiện này cần được thể hiện rõ trong hợp đồng tặng cho, bao gồm: điều kiện tặng cho là gì (công việc mà bên tặng cho cần thực hiện), thời gian thực hiện (thực hiện trước hay sau khi nhận tài sản tặng cho), trong trường hợp bên được tặng cho không thực hiện thì xử lý như thế nào,… Các bên cần lưu ý rằng điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tặng cho sẽ do các bên thỏa thuận. Các bên có thể tham khảo quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên như sau:

(i) Quyền và nghĩa vụ của bên tặng cho: (a) Có quyền yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho; (b) Có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho; (c) Trong trường hợp bên được tặng cho phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bến được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện; (d) Giao tài sản cho bên được tặng cho đúng thời hạn và địa điểm theo thỏa thuận của các bên; và (e) Thông báo cho bên được tặng cho khuyết tật của tài sản tặng cho. Nếu bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên được tặng cho.

(ii) Quyền và nghĩa vụ của bên được tặng cho: (a) Nhận tài sản tặng cho; (b) Thực hiện điều kiện tặng cho nếu việc tặng cho có điều kiện; (c) Trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại cho bên tặng cho nếu không thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho.

5. Thời hạn giao và chuyển quyền sở hữu tài sản tặng cho

Các bên cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng về thời gian cụ thể mà bên tặng cho giao tài sản cho bên được tặng cho cùng với thời gian chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản tặng cho. Điều khoản này khá quan trọng vì đây là căn cứ để xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản trong một số trường hợp.

6. Địa điểm và phương thức chuyển giao

Các bên thỏa thuận trong hợp đồng về địa điểm và phương thức chuyển giao tài sản. Thông thường phương thức chuyển giao sẽ được quy định đối với tài sản tặng cho là động sản.

7. Điều khoản liên quan đến đăng ký tài sản đối với tài sản phải đăng ký

Đối với những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, các bên nên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng về trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện việc đăng ký tặng cho tài sản tại cơ quan có thẩm quyền, cũng như trách nhiệm về thuế, lệ phí liên quan đến việc tặng cho tài sản.

8. Phương thức giải quyết tranh chấp

Trong hợp đồng, các bên cần thỏa thuận rõ về phương thức giải quyết khi có tranh chấp xảy ra, như thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc Tòa án. Ngoài ra, nếu hợp đồng tặng cho có yếu tố nước ngoài thì các bên cần lưu ý thỏa thuận thêm về luật áp dụng.

Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo những nội dung cơ bản của hợp đồng tặng cho tài sản”. Hi vọng những chia sẻ nêu trên hữu ích đối với những ai quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,