Hiện nay, nhu cầu mua bán tài sản của cá nhân, pháp nhân ngày càng tăng cao, dẫn theo đó là nhu cầu vận chuyển tài sản ngày càng gia tăng. Để đảm bảo quyền lợi của bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển, ngay từ khâu soạn thảo hợp đồng, các bên cần cẩn trọng và chính xác trong từng điều khoản của hợp đồng. Thông thường, hợp đồng vận chuyển tài sản sẽ bao gồm các nội dung như thông tin của các bên, mô tả chi tiết về tài sản được vận chuyển, thời gian và phương thức vận chuyển,… Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ phân tích những nội dung mà các bên cần lưu ý trong quá trình soạn thảo hợp đồng vận chuyển tài sản.

1. Các bên ký kết hợp đồng

Các bên cần nêu rõ thông tin về người vận chuyển và thuê vận chuyển trong hợp đồng. Cá nhân cần nêu rõ thông tin như tên, căn cước công dân, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, mail,… Pháp nhân cần có tên, địa chỉ trụ sở, mã số thuế, người ký hợp đồng (người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền),… Khi vận chuyển tài sản, đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn, bên thuê vận chuyển cần tìm công ty vận chuyển uy tín, có thông tin xác thực, tránh trường hợp bị lừa đảo. Khi ký hợp đồng vận chuyển, các bên cần lưu ý về thẩm quyền ký kết hợp đồng của các bên, tránh trường hợp người ký hợp đồng không có thẩm quyền ký kết hợp đồng.

2. Đối tượng vận chuyển

Đối tượng vận chuyển có thể là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác, kể cả động vật sống, container,… Trước khi giao kết hợp đồng vận chuyển, bên vận chuyển cần kiểm tra tính pháp lý của tài sản vận chuyển, cụ thể là cần xác định rõ tài sản này có thuộc diện bị cấm và hạn chế vận chuyển không, có thuộc diện tài sản nguy hiểm không, có yêu cầu đặc thù nào khi vận chuyển loại tài sản đó không,… Việc xác định tính pháp lý của tài sản vận chuyển là điều bắt buộc mà bên vận chuyển phải thực hiện bởi lẽ nếu không tuân thủ các quy định pháp luật về vận chuyển thì bên vận chuyển có thể phải chịu trách nhiệm dân sự như bồi thường thiệt hại, bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau khi xác định tính hợp pháp của loại tài sản vận chuyển cũng như các điều kiện cần tuân thủ khi vận chuyển loại tài sản đó, các bên cần quy định cụ thể về thông tin của tài sản như số lượng, chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã, giá trị,… Ví dụ, đối với tài sản là ti vi, các bên cần thỏa thuận rõ về giá trị, nhãn hiệu, chủng loại, kích thước màn hình, loại màn hình, năm sản xuất, tình trạng,… tránh việc chỉ thỏa thuận chung chung là vận chuyển ti vi mà không nêu rõ các thông tin về ti vi. Việc thỏa thuận rõ ràng về đối tượng vận chuyển là yếu tố then chốt giúp các bên giải quyết các tranh chấp về đối tượng hợp đồng như tài sản bị đánh tráo, tài sản bị mất, bị hư hỏng, tài sản được giao bị thiếu,…

Tại điều khoản này, các bên nên thỏa thuận rõ về việc đóng gói tài sản, đặc biệt đối với loại tài sản có giá trị lớn, tài sản dễ hư hỏng,…

3. Thời gian giao và nhận tài sản

Các bên cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng về thời gian bắt đầu và kết thúc vận chuyển tài sản; thời điểm bên thuê vận chuyển giao tài sản cho bên vận chuyển; thời gian bên vận chuyển giao tài sản cho bên nhận tài sản.

Việc quy định về các nội dung nêu trên trong hợp đồng sẽ xác định được nghĩa vụ tương ứng đối với từng bên. Theo đó, các bên nên thỏa thuận một số nội dung sau trong hợp đồng như: Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vận chuyển đúng thời hạn đã thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng thời hạn thì phải thanh toán chi phí chờ đợi và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng cho bên vận chuyển. Hoặc trường hợp bên vận chuyển chậm tiếp nhận tài sản tại địa điểm đã thỏa thuận thì phải chịu chi phí phát sinh do việc chậm tiếp nhận.

Đồng thời, các bên cũng nên thỏa thuận về việc ký kết Biên bản giao nhận tài sản. Biên bản giao nhận tài sản được coi là bằng chứng về việc bên nhận tài sản đã nhận được đầy đủ, chính xác tài sản, đồng thời bên vận chuyển đã hoàn thành trách nhiệm giao tài sản của mình.

4. Địa điểm nhận tài sản

Thông thường địa điểm nhận tài sản là địa chỉ của bên nhận tài sản. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp địa điểm nhận tài sản có thể là kho bãi hoặc một địa điểm khác do bên nhận tài sản chỉ định. Do đó, địa điểm nhận tài sản cần được các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng.

Các bên cần thỏa thuận về hướng giải quyết khi tài sản được vận chuyển đến địa điểm giao hàng đúng thời hạn nhưng không có bên nhận tài sản. Bởi lẽ nếu các bên không thỏa thuận cụ thể về nội dung này thì nội dung này sẽ được điều chỉnh bởi Khoản 3 Điều 538 Bộ luật Dân sự 2015 như sau “Trường hợp tài sản đã được chuyển đến địa điểm giao tài sản đúng thời hạn nhưng không có bên nhận tài sản thì bên vận chuyển có thể gửi số tài sản đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản. Bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản phải chịu chi phí hợp lý phát sinh từ việc gửi giữ tài sản. Nghĩa vụ giao tài sản hoàn thành khi tài sản đã được gửi giữ và bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản đã được thông báo về việc gửi giữ.”

5. Thanh toán phí vận chuyển

Cước phí vận chuyển là một nội dung vô cùng quan trọng trong hợp đồng vận chuyển tài sản. Cước phí vận chuyển do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu pháp luật có quy định về mức cước phí vận chuyển thì áp dụng mức cước phí đó.

Các Bên cần thỏa thuận rõ ràng về các nội dung về cước phí vận chuyển như cước phí này đã bao gồm chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển chưa; cước phí vận chuyển có phải trọn gói không, có phát sinh chi phí gì thêm không; cước phí này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng chưa;…

Cùng với chi phí vận chuyển, các bên cần thỏa thuận về phương thức thanh toán trong hợp đồng. Các bên có thể lựa chọn việc thanh toán theo đợt hoặc thanh toán toàn bộ. Đồng thời, các bên cần thỏa thuận về thời hạn thanh toán, các bên có thể tham khảo quy định về thời hạn thanh toán như sau: thanh toán toàn bộ chi phí vận chuyển ngay sau khi các bên ký kết hợp đồng vận chuyển tài sản hoặc ngay sau khi bên nhận tài sản nhận được tài sản hoặc ngay sau khi bên vận chuyển nhận được tài sản để vận chuyển; thanh toán từng đợt tương ứng với từng giai đoạn như ký kết hợp đồng, bên vận chuyển nhận được tài sản để vận chuyển, bên nhận tài sản đã nhận được tài sản;…

Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo những điều khoản cơ bản trong hợp đồng vận chuyển tài sản” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề nào cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,