Hợp đồng dịch vụ là một loại hợp đồng mà bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ. Kỹ năng soạn thảo hợp đồng dịch vụ là một trong những kỹ năng cần thiết cho những người đang làm việc trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ. Việc soạn thảo hợp đồng dịch vụ yêu cầu kiến thức chuyên môn về pháp lý, kinh doanh, và cách thức hoạt động của ngành cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, để hiểu và vận dụng linh hoạt quy định pháp luật, tình hình thực tiễn,… là điều tương đối phức tạp. Do vậy, trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích những nội dung cơ bản mà các bên cần lưu ý khi thực hiện soạn thảo hợp đồng dịch vụ.

1. Thông tin của các bên tham gia hợp đồng

Các bên trong hợp đồng dịch vụ có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Cá nhân cần ghi rõ những thông tin sau: họ tên, căn cước công dân/ hộ chiếu, địa chỉ, thông tin liên hệ (số điện thoại/email). Tổ chức cần ghi rõ những thông tin sau: tên, mã số thuế, địa chỉ, thông tin liên hệ (số điện thoại, email), họ tên và chức vụ của người ký kết hợp đồng (đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền),…

Đối với doanh nghiệp, việc giao kết hợp đồng phải được thực hiện bởi đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Thông tin về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thường được thể hiện trong Điều lệ công ty và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu người đại diện giao kết hợp đồng không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty thì cần có văn bản ủy quyền. Vì vậy, để tránh rủi ro hợp đồng bị vô hiệu do được xác lập bởi đại diện không có thẩm quyền, các bên cần yêu cầu xuất trình một trong các giấy tờ, tài liệu nêu trên khi giao kết hợp đồng.

Khi giao kết hợp đồng, bên sử dụng dịch vụ cần đặc biệt chú ý đến năng lực hành vi dân sự của bên cung ứng dịch vụ, hay nói cách khác là việc bên cung ứng dịch vụ có đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của pháp luật đối việc cung ứng dịch vụ hay không, để tránh trường hợp sử dụng dịch vụ của đơn vị không có quyền cung ứng dịch vụ. Năng lực hành vi dân sự của bên cung ứng được xác định trong từng trường hợp như sau: i) Chỉ được cung ứng dịch vụ khi có chứng chỉ, bằng cấp và phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ii) Chỉ được cung ứng dịch vụ sau khi đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; iii) Cung ứng dịch vụ trong trường hợp không yêu cầu chứng chỉ, bằng cấp và không đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ (phạm vi công việc cần thực hiện)

Theo quy định của pháp luật, đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Các hoạt động dịch vụ thuộc phạm vi điều cấm pháp luật bao gồm các trường hợp sau: i) Các hoạt động bị cấm thực hiện được luật hóa trong các quy phạm pháp luật như vận chuyển trái phép hàng qua biên giới, vận chuyển ma túy,… ii) Các hoạt động mà bên cung ứng không đáp ứng điều kiện thực hiện. Trước khi thực hiện các dịch vụ nhất định như dịch vụ y tế, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ pháp lý,… bên cung ứng phải thỏa mãn các điều kiện luật định. Chủ thể chưa đáp ứng các điều kiện luật định thì chưa có quyền thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ. Do vậy, trước khi giao kết hợp đồng, bên cung ứng dịch vụ cần xác định rõ dịch vụ mà mình được yêu cầu cung ứng có phải là công việc có thể thực hiện được không, có vi phạm điều cấm của luật không, có trái đạo đức xã hội không, từ đó quyết định việc có đồng ý cung ứng dịch vụ không.

Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng theo đúng nội dung đã thỏa thuận cũng như hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra, các bên cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng về công việc, phạm vi công việc mà bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện. Nội dung công việc được thể hiện càng chi tiết sẽ giúp hạn chế rủi ro cho các bên.

3. Giá dịch vụ

Giá dịch vụ sẽ do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, đối với nhiều loại hình dịch vụ, Nhà nước có quy định về mức giá dịch vụ, như dịch vụ khám, chữa bệnh, trường hợp Nhà nước quy định về mức giá dịch vụ trong các bệnh viện, thì các bên cung ứng dịch vụ không được yêu cầu thanh toán vượt mức khung do Nhà nước quy định.

Giá dịch vụ là cơ sở để tính tiền dịch vụ và có ý nghĩa trực tiếp tới nghĩa vụ trả tiền dịch vụ của bên sử dụng, quyền nhận tiền dịch vụ của bên cung ứng. Do vậy, các bên cần quy định chi tiết về giá dịch vụ trong hợp đồng. Giá dịch vụ có thể được quy định là một số tiền cụ thể, được xác định theo công thức tính giá, được xác định theo bảng giá hoặc công thức tính giá được áp dụng bởi nhà cung ứng dịch vụ khác hoặc theo chính bảng giá của bên cung ứng dịch vụ.

4. Phương thức thanh toán giá dịch vụ

Các bên có thể thỏa thuận việc thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc tiến hành ủy nhiệm chi cho ngân hàng,… Việc thanh toán tiền dịch vụ có thể thanh toán một lần hoặc chia thành nhiều lần tương ứng với từng giai đoạn thực hiện công việc. Các bên có thể thỏa thuận việc thanh toán cần thực hiện ngay sau khi các bên ký kết hợp đồng dịch vụ, ngay sau khi dịch vụ được cung ứng,… Pháp luật cho phép chủ thể có quyền tự do lựa chọn phương thức thanh toán nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật về tài chính kế toán.

5. Giảm tiền dịch vụ

Bên sử dụng dịch vụ có thể quy định về việc giảm tiền dịch vụ trong hai trường hợp sau: dịch vụ được cung ứng không đạt như thỏa thuận; dịch vụ không được hoàn thành đúng thời hạn. Để hạn chế tranh chấp, các bên cần thỏa thuận cụ thể về mức giảm tiền dịch vụ trong hai trường hợp nêu trên.

Cung ứng dịch vụ không đạt như thỏa thuận sẽ được chia thành hai trường hợp sau: i) Kết quả công việc không đạt như kết quả dự liệu trong hợp đồng dịch vụ; ii) Quá trình thực hiện công việc không tuân thủ theo quy cách được ghi nhận trong hợp đồng dịch vụ. Để có thể giảm tiền trong trường hợp này, các bên phải mô tả chi tiết kết quả công việc hoặc quy cách thực hiện công việc. Việc không mô tả chi tiết sẽ dẫn đến hậu quả là bên sử dụng sẽ không có đầy đủ căn cứ để yêu cầu giảm tiền dịch vụ trong trường hợp bên cung ứng có vi phạm.

Đối với việc hoàn thành dịch vụ không đúng thời hạn, bên sử dụng cần quy định cụ thể thời hạn hoàn thành dịch vụ, đây là căn cứ quan trọng để xác định bên cung ứng có vi phạm quy định về thời hạn hay không.

Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo những điều khoản cơ bản trong hợp đồng dịch vụ” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,