Hợp đồng trao đổi tài sản là một trong những hợp đồng thông dụng trong lĩnh vực dân sự. Theo đó, các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản và hướng dẫn cách thức soạn thảo loại hợp đồng này.

1. Thế nào là hợp đồng trao đổi tài sản?

Theo quy định tại Điều 455 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

Về bản chất, hợp đồng này là một loại hợp đồng hỗn hợp chứa đựng nội dung của hai hợp đồng mua bán khác nhau, mà trong đó mỗi bên đều là bên bán đối với tài sản của mình và là bên mua đối với tài sản của bên kia. Vì vậy, các quy định về hợp đồng mua bán tài sản cũng được áp dụng cho hợp đồng này, cụ thể: Các quy định về hợp đồng mua bán tài sản từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật Dân sự 2015 cũng được áp dụng đối với hợp đồng này. Chỉ có các điều luật sau quy định về hợp đồng mua bán nhưng không áp dụng cho hợp đồng này, bao gồm: Điều 440 về Nghĩa vụ trả tiền, Điều 450 về Mua bán quyền tài sản, Điều 451 về Bán đấu giá tài sản, Điều 452 về Mua sau khi sử dụng thử và Điều 453 về Mua trả chậm, trả dần.

2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng trao đổi tài sản

Thứ nhất, hợp đồng này có mục đích là chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho nhau. Thông thường hợp đồng mua bán tài sản là dùng tiền để có vật; còn hợp đồng trao đổi tài sản là dùng vật đổi vật. Vật trong hợp đồng này thường là vật đặc định. Ngoài ra, đối tượng của hợp đồng thường không thể là tiền. Bởi lẽ, tiền luôn được coi là công cụ định giá các loại tài sản khác, nên tiền thường xuất hiện trong hợp đồng mua bán tài sản thông thường. Tiền chỉ là đối tượng của hợp đồng này nếu tài sản các bên mang trao đổi đều là tiền ví dụ như đổi tiền Việt nam lấy đồng đô la Mỹ.

Thứ hai, hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng song vụ, có tính đền bù. Tính chất song vụ của hợp đồng được thể hiện ở việc cả hai bên trong hợp đồng đều có nghĩa vụ đối với nhau. Đồng thời đây là hợp đồng có đền bù vì các bên đều có lợi ích vật chất phát sinh từ hợp đồng.

Thứ ba, hình thức của hợp đồng phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định. Theo đó, hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực hoặc đăng ký thì hợp đồng phải tuân thủ theo đúng hình thức đó. Ví dụ, theo quy định tại Điều 121 và Điều 122 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng trao đổi tài sản có đối tượng là nhà ở bắt buộc phải được lập thành văn bản, đa số phải thực hiện công chứng, chứng thực, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014. Việc công chứng hợp đồng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân dân xã nơi có nhà ở. Thời điểm có hiệu lực đối với hợp đồng trao đổi nhà ở là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

Thứ tư, người trao đổi tài sản phải là chủ sở hữu của tài sản hoặc người có quyền khác được thực hiện việc trao đổi đối với tài sản như người được chủ sở hữu ủy quyền. Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thứ năm, về bản chất, hợp đồng này là hợp đồng mua bán kép. Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về.

3. Nội dung của hợp đồng 

Người soạn thảo nên lưu ý những nội dung chính sau:

• Thông tin của các bên trong hợp đồng.

• Đối tượng của hợp đồng: Các bên cần thỏa thuận về các nội dung liên quan đến tài sản trao đổi bao gồm tên tài sản trao đổi, nguồn gốc/xuất xứ của tài sản, số lượng, chất lượng, các hồ sơ, tài liệu kèm theo (nếu có).

• Phương thức và thời hạn thanh toán giá trị chênh lệch: Để xác định được giá trị của tài sản đem trao đổi, tài sản của mỗi bên sẽ được định giá thành tiền. Trong trường hợp giá trị của các tài sản là tương đương nhau thì các bên chỉ cần trao đổi cho nhau tài sản của mình. Tuy nhiên, nếu giá trị của các tài sản không tương đương nhau thì tài sản của bên nào có giá trị thấp sẽ phải thanh toán phần chênh lệch cho bên kia, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Vì vậy, các bên cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng về nội dung này, bao gồm phương thức và thời hạn thanh toán nếu các tài sản trao đổi có sự chênh lệch về giá trị.

• Thời gian, địa điểm và phương thức thực hiện hợp đồng: Theo đó, các bên thỏa thuận về thời gian, địa điểm và phương thức để trao đổi tài sản với nhau.

• Quyền và nghĩa vụ của các bên: Như đã nêu trên, hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng song vụ, các bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Do vậy, các bên cần thỏa thuận nội dung này trong hợp đồng.

• Điều khoản về thời hạn hợp đồng và các trường hợp chấm dứt hợp đồng: Các nội dung này do các bên được tự do thỏa thuận.

• Ngoài các điều khoản nêu trên, các bên có thể thỏa thuận thêm về các nội dung khác của hợp đồng với điều kiện không trái với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì những nội dung này sẽ được điều chỉnh bởi quy định pháp luật. Tuy nhiên, các bên nên thỏa thuận rõ ràng, chi tiết tất cả các nội dung trong hợp đồng để các bên không gặp khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng và cũng để hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra.

Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng trao đổi tài sản”. Hi vọng những thông tin nêu trên hữu ích đối với quý độc giả đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,