Về nguyên tắc, các bên tham gia ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (“BCC”) được tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận miễn là không trái với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, khi thỏa thuận và soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh, các bên cần chú ý đến những nội dung cần có theo quy định của pháp luật. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ đưa ra một số lưu ý khi soạn thảo các điều khoản trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

1. Đối tượng của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Đối tượng của hợp đồng hợp tác hướng đến là những thỏa thuận, cam kết ghi nhận công việc hợp tác kinh doanh sẽ thực hiện trong hợp đồng. Bản chất của hợp đồng hợp tác kinh doanh là không thành lập pháp nhân, do đó các nội dung thỏa thuận về “công việc” với tính chất là đối tượng của hợp đồng phải cụ thể, rõ ràng để hạn chế tranh chấp có thể xảy ra.

2. Mục tiêu và phạm vi hoạt động kinh doanh

Để đảm bảo các bên hiểu một cách đầy đủ và chính xác về hoạt động kinh doanh, hợp đồng hợp tác phải quy định rõ về mục tiêu và phạm vi hoạt động. Điều khoản này đóng vai trò rất quan trọng trong việc ràng buộc trách nhiệm cùng thực hiện hoạt động hợp tác của các bên cũng như tránh trường hợp các bên hiểu sai mục tiêu và thực hiện không đúng hoặc vượt quá phạm vi hợp tác mà các bên mong muốn.

3. Điều khoản góp vốn và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh

Thực hiện nghĩa vụ đóng góp và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh chính là một trong những nội dung dễ xảy ra tranh chấp nhất trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vì vậy, các bên cần thỏa thuận rõ ràng và chặt chẽ về nội dung này trong hợp đồng.

Theo đó, các bên cần thỏa thuận rõ về loại tài sản đóng góp (tiền, công sức lao động, máy móc thiết bị hay các loại tài sản khác), tỷ lệ và thời hạn đóng góp cụ thể của các bên. Nếu một trong các bên chậm thực hiện nghĩa vụ đóng góp thì các bên cũng cần thỏa thuận về hình thức xử lý đối với trường hợp này. Chẳng hạn, trong trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà một bên chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại.

Về việc phân chia kết quả đầu tư kinh doanh, các bên cần thỏa thuận rõ điều kiện phân chia, tỷ lệ phân chia và thời hạn phân chia lợi nhuận cho từng bên.

4. Điều khoản tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hợp đồng nên thỏa thuận rõ về tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng. Bởi lẽ, điều này sẽ ràng buộc trách nhiệm của các bên đối với hoạt động kinh doanh cũng như liên quan đến việc chấm dứt hợp tác khi hết thời hạn hợp đồng. Theo đó, các bên cần thể hiện rõ trong hợp đồng về các công việc cụ thể cần thực hiện trong từng giai đoạn và trách nhiệm của từng bên đối với các công việc đó.

5. Điều khoản quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh

Trong quan hệ hợp tác kinh doanh, các bên đều có quyền và nghĩa vụ chung là (i) được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác; (ii) tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hợp tác; (iii) bồi thường thiệt hại cho (các) bên còn lại do lỗi của mình gây ra. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận thêm về quyền và nghĩa vụ riêng của từng bên. Việc xác định rõ về quyền và nghĩa vụ của từng bên sẽ giúp hạn chế tranh chấp và phân định rõ trách nhiệm của các bên đối với quan hệ hợp tác.

6. Điều khoản rút vốn khỏi hợp đồng 

Việc rút vốn của một thành viên có thể ảnh hưởng đến quyền lợi và gây thiệt hại cho (các) bên còn lại trong hợp đồng. Vì vậy, hợp đồng hợp tác cần thỏa thuận rõ về các trường hợp được rút vốn, đồng thời các bên cũng phải thực hiện đúng các nội dung đã cam kết để tránh xảy ra tranh chấp.

Nếu việc rút vốn không thuộc trường hợp mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng thì thành viên rút vốn được xác định là vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình.

7. Điều khoản trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và phương thức giải quyết tranh chấp

Để thuận lợi cho các bên khi có vi phạm hợp đồng, các bên nên thỏa thuận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và các phương thức giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Theo đó, các bên có thể thỏa thuận cụ thể về chế tài áp dụng khi có vi phạm hợp đồng (như phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại,…). Về điều khoản giải quyết tranh chấp, các bên có thể thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án. Trong trường hợp giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, các bên nên thỏa thuận rõ về Trung tâm Trọng tài, số lượng trọng tài viên, ngôn ngữ và địa điểm giải quyết tranh chấp,…

8. Điều khoản về chấm dứt hợp đồng 

Chấm dứt hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc kết thúc mối quan hệ hợp tác. Các bên có thể thỏa thuận hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

– Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác. Các bên thỏa thuận trong hợp đồng về thời hạn hợp tác cùng thực hiện hoạt động kinh doanh, khi hết thời hạn đó thì hợp đồng hợp tác chấm dứt.

– Mục đích hợp tác đã đạt được. Khi tham gia hợp đồng hợp tác, các bên xác định mục đích của việc xác lập hợp đồng hợp tác, nếu mục đích đó đã đạt được thì hợp đồng hợp tác không còn cần thiết đối với các bên, khi đó hợp đồng chấm dứt.

– Các trường hợp khác theo thỏa thuận của các bên. Trong thời hạn thực hiện hợp đồng, do hoạt động hợp tác không đạt được kết quả như mong muốn hoặc vì những lý do khác mà các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Ngoài các điều khoản nêu trên, các bên có thể thỏa thuận thêm về các nội dung khác miễn là không trái với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Chẳng hạn như điều khoản bảo mật, điều khoản chống cạnh tranh và lôi kéo,…

Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh”. Hi vọng những chia sẻ nêu trên sẽ hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,