Hợp đồng về quyền sử dụng đất là một loại hợp đồng được sử dụng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, so với các loại hợp đồng thông thường khác, hợp đồng quyền sử dụng đất cần đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật mới phát sinh hiệu lực đối với các bên. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích những nội dung cơ bản cần biết về loại hợp đồng này.

I. Định nghĩa

Căn cứ Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật Đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng đối với người sử dụng đất.

Có thể thấy, hợp đồng này  bao gồm nhiều loại hợp đồng khác nhau như hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất,… Tuy đối tượng của tất cả các loại hợp đồng này đều là quyền sử dụng đất nhưng nội dung của mỗi loại hợp đồng sẽ khác nhau.

II. Nội dung của hợp đồng quyền sử dụng đất

Hợp đồng quyền sử dụng đất thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Đất đai 2013,… Theo đó, nội dung của hợp đồng bao gồm các điều khoản do các bên thỏa thuận nhưng không được vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Mặt khác, nội dung hợp đồng không được trái với quy định về mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

III. Hình thức hợp đồng hợp đồng quyền sử dụng đất

Căn cứ Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Căn cứ Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản (một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản) được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.

IV. Khi nào hợp đồng có hiệu lực đối với các bên?

Thông thường các giao dịch dân sự có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 503 Bộ luật Dân sự 2015, việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai.

V. Những lưu ý khác

Căn cứ Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT:

+ Hợp đồng về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên. Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

+ Hợp đồng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.

Trên đây là nội dung bài viết “Hợp đồng về quyền sử dụng đất – Những lưu ý cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề nào cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,