Vay tiền là hoạt động thường xuyên diễn ra giữa các chủ thể trong cuộc sống. Khi tham gia vào hoạt động vay, các chủ thể thường sẽ giao kết các hợp đồng vay tài sản để xác định quyền và nghĩa vụ giữa bên vay và bên cho vay. Để giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về loại hợp đồng thông dụng này, trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về hợp đồng vay tiền.

1. Thế nào là hợp đồng vay tiền?

Pháp luật không có quy định cụ thể về hợp đồng vay tiền. Theo Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tiền cũng là một loại tài sản, do đó, hợp đồng vay tiền có thể được coi là một dạng cụ thể của hợp đồng vay tài sản theo quy định tại Mục 4, Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, có thể hiểu, hợp đồng vay tiền là loại hợp đồng mà theo đó bên cho vay sẽ cho bên vay vay một khoản tiền; bên vay được sử dụng số tiền đó vào các mục đích theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng trong một thời hạn nhất định. Khi hết thời hạn vay, bên vay phải trả lại khoản tiền đó cho bên cho vay, đồng thời phải trả một khoản lãi suất cho bên cho vay nếu các bên có thỏa thuận.

2. Hình thức của hợp đồng vay tiền

Pháp luật không quy định là hợp đồng vay tiền phải được lập bằng văn bản. Do đó, hợp đồng vay tiền có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Dù vậy, để giảm thiểu rủi ro tranh chấp thì các bên vẫn nên giao kết hợp đồng bằng văn bản.

Ngoài ra, pháp luật cũng không quy định hợp đồng vay tiền phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, nếu các bên trong hợp đồng đều là cá nhân thì hợp đồng nên được công chứng, chứng thực để thuận lợi hơn khi giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán.

3. Ngôn ngữ của hợp đồng vay tiền

Hợp đồng vay tiền có thể được viết bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nếu là hợp đồng song ngữ thì các bên cần thỏa thuận trong hợp đồng về loại ngôn ngữ được ưu tiên áp dụng khi có sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ bởi các lý dó sau:

– Khi thực hiện các thủ tục hành chính và cần phải nộp hợp đồng thì hợp đồng phải được lập bằng tiếng Việt vì ngôn ngữ sử dụng trong các hồ sơ thủ tục hành chính của Việt Nam bắt buộc là tiếng Việt.

– Khi có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng và các bên yêu cầu Tòa án, Trọng tài tại Việt Nam giải quyết thì các cơ quan tài phán sẽ yêu cầu các bên phải dịch thuật hợp đồng ra tiếng Việt.

Trên đây là bài viết “Hợp đồng vay tiền – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ.

Trân trọng,