Hợp đồng thuê khoán tài sản là một loại hợp đồng thuê tài sản đặc biệt, với mục đích thuê tài sản nhằm khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức. Để hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra và đảm bảo việc thực hiện hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, mỗi cá nhân, tổ chức cần hiểu rõ các quy định của pháp luật cũng như cách thức soạn thảo đối với loại hợp đồng đặc biệt này.
I. Hợp đồng thuê khoán tài sản là gì?
Căn cứ Điều 483 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.
Như vậy, thuê khoán là một dạng cụ thể của hợp đồng thuê tài sản. Mục đích của hợp đồng này là để sản xuất, kinh doanh, do đó, bên thuê khoán có thể thu được hoa lợi, lợi tức. Trong kinh doanh, bên thuê khoán có thể không thu được hoa lợi, lợi tức hoặc thu được nhưng không đạt kết quả cao như dự định. Tuy nhiên, dù kết quả sản xuất, kinh doanh có như thế nào, dù không khai thác công dụng tài sản thuê khoán, bên thuê khoán vẫn phải trả tiền thuê cho bên cho thuê khoán.
II. Đặc điểm
Hợp đồng thuê khoán tài sản mang các đặc điểm của hợp đồng thuê tài sản. Bên cạnh đó, hợp đồng này còn có các đặc trưng riêng biệt như sau:
Thứ nhất, căn cứ Điều 484 Bộ luật Dân sự 2015, đối tượng của hợp đồng thuê khoán là những tư liệu sản xuất có thể khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức như đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều này đồng nghĩa với việc các tài sản không được liệt kê ở trên sẽ không thể được thuê khoán. Vì vậy, các bên cần cân nhắc để lựa chọn đúng loại hợp đồng phù hợp với đối tượng thuê khoán.
Thứ hai, căn cứ Điều 485 Bộ luật Dân sự 2015, thời hạn thuê khoán được ưu tiên xác định theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì thời hạn thuê khoán được xác định theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất đối tượng thuê khoán để bảo đảm cho bên thuê thu được hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng tài sản.
Thứ ba, căn cứ Điều 486 Bộ luật Dân sự 2015, giá thuê khoán do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng thuê khoán là tài sản của Nhà nước có quy định khung giá thì các bên được thỏa thuận trong khung giá. Nếu đấu thầu tài sản thuê khoán thì giá thuê là giá trúng thầu. Thông thường, đấu thầu thuê khoán được áp dụng đối với những tài sản có giá trị lớn như đất đai, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc tư liệu sản xuất khác nhằm xác định giá thuê khoán chính xác, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả.
III. Hình thức
Hình thức của hợp đồng thuê khoán tài sản là cách thức thể hiện sự thoả thuận của các bên. Đối với các hợp đồng thuê thông thường, hình thức của hợp đồng có thể bằng văn bản, lời nói và hành vi cụ thể. Tuy nhiên, do đối tượng của hợp đồng này là các tư liệu sản xuất nên khi xác lập hợp đồng các bên cần xem xét các văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó, tùy theo từng đối tượng cụ thể, hợp đồng này có thể phải công chứng, chứng thực hoặc thực hiện việc đăng ký tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
IV. Nội dung
Những nội dung cơ bản cần trong hợp đồng thuê khoán tài sản bao gồm:
• Đối tượng của hợp đồng;
• Giá thuê khoán;
• Thời hạn thuê khoán;
• Phương thức giao tài sản thuê khoán và phương thức trả tiền thuê khoán;
• Quyền và nghĩa vụ của các bên: Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê khoán và bên thuê khoán;
• Điều khoản chấm dứt hợp đồng
Trên đây là nội dung bài viết “Hợp đồng thuê khoán tài sản – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Hi vọng những chia sẻ nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.
Trân trọng,