Tặng cho tài sản là hoạt động phổ biến trong đời sống hằng ngày. Để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như hạn chế những tranh chấp xảy ra, bất kỳ ai có nhu cầu tặng cho tài sản cũng nên hiểu rõ các quy định của pháp luật về loại hợp đồng này. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về hợp đồng tặng cho tài sản.
1. Hợp đồng tặng cho tài sản là gì?
Hợp đồng tặng cho tài sản là một trong những căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu tài sản đối với bên được tặng cho. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về khái niệm hợp đồng tặng cho tài sản tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
2. Hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản
Về hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản sẽ phụ thuộc vào đối tượng của hợp đồng. Nếu đối tượng của hợp đồng tặng cho tài sản là bất động sản thì theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Ví dụ: Theo quy định tại Điều 167 và Điều 188 Luật Đất đai 2013, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất) phải được công chứng hoặc chứng thực, đồng thời việc tặng cho phải được đăng ký tại Cơ quan đăng ký đất đai và chỉ có hiệu lực từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Nếu đối tượng của hợp đồng tặng cho tài sản là động sản thì pháp luật không có quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng. Do đó, hợp đồng tặng cho tài sản có thể được thể hiện bằng lời, bằng văn bản hoặc bằng hành vi. Tuy nhiên, đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho tài sản phải được lập dưới hình thức bằng văn bản và đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Ví dụ: Nếu đối tượng của hợp đồng tặng cho là ô tô thì hợp đồng phải được lập thành văn bản và thực hiện thủ tục đăng ký tại Cơ quan đăng ký xe theo quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA.
3. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng tặng cho tài sản
Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng tặng cho tài sản là các loại tài sản được phép lưu thông. Đối tượng bị cấm trong hợp đồng tặng cho tài sản là các loại tài sản mà pháp luật cấm giao dịch. Nhìn chung, đối tượng của hợp đồng tặng cho tài sản sẽ bao gồm động sản và bất động sản.
Thứ hai, hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù, là hợp đồng đơn vụ. Theo đó, một bên (bên tặng cho) trao cho bên kia (bên được tặng cho) một khoản lợi ích vật chất (tài sản tặng cho) mà không yêu cầu bên kia phải trao lại cho mình một lợi ích vất chất khác tương ứng. Bên được tặng cho không phải trả cho bên tặng cho một khoản tiền hay một lợi ích vật chất nào khác. Tuy nhiên, nếu hợp đồng tặng cho có điều kiện thì hợp đồng tặng cho trở thành hợp đồng song vụ. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế bởi vì thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng là thời điểm bên được tặng cho nhận được tài sản hoặc từ thời điểm đăng ký nếu tài sản được tặng cho phải đăng ký theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung bài viết “Hợp đồng tặng cho tài sản – Những nội dung cơ bản cần biết”. Hi vọng những chia sẻ nêu trên hữu ích đối với những ai quan tâm đến vấn đề này.
Trân trọng,