Quan hệ nhượng quyền thương mại luôn luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn và xung đột lợi ích giữa các bên. Để giảm thiểu tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của mỗi bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại, pháp luật đã quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin ngay từ giai đoạn tiền hợp đồng (trước khi ký kết hợp đồng). Trường hợp bên nào vi phạm nghĩa vụ này, những hậu quả pháp lý sau đây có thể phát sinh.

1. Bên vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại

Khoản 2 Điều 24 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định, thương nhân kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại có hành vi vi phạm gây thiệt đến lợi ích vật chất của tổ chức, cá nhân liên quan thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Theo đó, hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng nếu gây thiệt hại đến lợi ích vật chất của Bên nhượng quyền, Bên dự kiến nhận nhượng quyền hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan thì bên vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại.

2. Hợp đồng bị vô hiệu

Theo quy định tại Điều 127 và Khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng có thể bị vô hiệu trong trường hợp hợp đồng được xác lập do bị lừa dối. Theo đó, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại sẽ được các bên tiến hành theo hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tại giai đoạn đàm phán hợp đồng, quyết định có ký kết hợp đồng của Bên nhận quyền được đưa ra chủ yếu dựa trên các thông tin do Bên nhượng quyền cung cấp. Vì vậy, khi Bên nhượng quyền cung cấp thông tin không đúng, không đầy đủ, không chính xác làm cho Bên nhận quyền hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng mà ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại. Khi đó, Bên nhận quyền có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng nhượng quyền thương mại vô hiệu do bị lừa dối.

3. Các chế tài khác

Căn cứ Khoản 1 Điều 16 Nghị định 35/2006/NĐ-CP dẫn chiếu đến Khoản 1 Điều 287 Luật Thương mại 2005, Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ “cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền”. Việc pháp luật có quy định như trên là bởi lẽ nội dung bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại rất quan trọng đối với bên dự kiến nhận quyền trong việc quyết định có tham gia vào hệ thống nhượng quyền thương mại của bên nhượng quyền hay không.

Bên cạnh đó, theo pháp luật Việt Nam, thương nhân tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại có hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động nhượng quyền thương mại tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (Điểm c Khoản 1 Điều 24 Nghị định 35/2006/NĐ-CP). Căn cứ Khoản 2 Điều 75 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cá nhân thực hiện hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin trong hoạt động nhượng quyền thương mại có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng, tổ chức thực hiện hành vi nêu trên có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung bài viết “Hậu quả pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong nhượng quyền thương mại” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Hi vọng những thông tin nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,