Xuất phát từ các yêu cầu khác nhau, nhiều chủ thể lựa chọn thực hiện giao dịch dân sự với các điều kiện nhất định. Những điều kiện này là căn cứ để các bên thực hiện giao dịch. Thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ truyền tải đến quý độc giả quy định pháp luật về giao dịch dân sự có điều kiện, để từ đó quý độc giả có cái nhìn tổng quát và rõ ràng hơn về loại giao dịch này.

1. Giao dịch dân sự có điều kiện là gì?

Giao dịch dân sự có điều kiện có ba đặc điểm là: i) Luôn gắn với sự kiện nhất định; ii) Phụ thuộc vào sự kiện được xác định theo ý chí của một bên hoặc do các bên thoả thuận mang tính khách quan; iii) Giao dịch có điều kiện sẽ phát sinh hoặc huỷ bỏ phụ thuộc vào điều kiện phát sinh hoặc huỷ bỏ.

Điều kiện là sự kiện thể hiện rõ ý chí thực sự của một bên hoặc các bên; đồng thời sự kiện này xác định được trên thực tế; mang tính khách quan và không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Ví dụ: Công ty C với Công ty D thỏa thuận là: D cung cấp hàng mẫu cho C, nếu hàng hóa của D đáp ứng về chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu mã (gọi chung là đáp ứng về chất lượng) thì C sẽ đồng ý mua hàng của D. Như vậy, sự kiện “hàng hóa của D đáp ứng về chất lượng” được coi là điều kiện để C mua hàng của D, nếu sự kiện này không xảy ra thì C sẽ từ chối mua hàng của D.

2. Hướng giải quyết khi điều kiện không thể xảy ra hoặc xảy ra do sự tác động của một bên

 2.1 Điều kiện bị tác động bởi hành vi cố ý của một bên

Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra. Trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra. Bên tác động đến sự kiện có thể tự mình hoặc nhờ bên thứ ba tác động để cho điều kiện xảy ra hoặc không thể xảy ra.

Như vậy, trường hợp hành vi tác động của một bên nhằm mục đích “thúc đẩy” hoặc “cản trở” sẽ mặc nhiên được xác định là điều kiện đã hoàn thành và giao dịch có điều kiện phát sinh hiệu lực.

2.2 Điều kiện đã phát sinh nhưng bên có quyền từ chối chuyển giao quyền

Trường hợp các bên có thoả thuận về điều kiện xác lập trong hợp đồng và sự kiện đã xảy ra thì hợp đồng phát sinh hiệu lực. Nếu bên có quyền từ chối chuyển giao quyền cho bên còn lại thì được coi là vi phạm nghĩa vụ và sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên còn lại như bị buộc thực hiện nghĩa vụ, bị phạt, hoặc bồi thường thiệt hại,…

3. Những lưu ý khi xác lập giao dịch dân sự có điều kiện

  • Nhận diện điều kiện phát sinh và điều kiện hủy bỏ của giao dịch, tránh sự nhầm lẫn giữa giao dịch dân sự có điều kiện với thực hiện nghĩa vụ có điều kiện, giao dịch dân sự có điều kiện với huỷ bỏ do không thực hiện nghĩa vụ,…
  • Xác định điều kiện mà mình hoặc đối phương đưa ra có trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội hay không.
  • Cân nhắc tính khả thi của điều kiện và hậu quả khi sự kiện xảy ra hoặc không xảy ra đối với mình.
  • Khi đảm bảo được tính hợp pháp của điều kiện thì các bên cần ghi rõ điều kiện đó trong văn bản, thậm chí là có công chứng/chứng thực để làm cơ sở giải quyết tranh chấp (nếu có).
  • Liên hệ với cá nhân/tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý để được tư vấn về cách thức lập giao dịch, từ đó đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của mình.

Trên đây là bài viết “Giao dịch dân sự có điều kiện”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,