Trong những năm gần đây, tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại ngày càng gia tăng. Để giảm thiểu thiệt hại, các bên cần lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cho phù hợp với tình hình kinh doanh, sản xuất của mình. Theo đó, khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể lựa chọn các phương thức giải quyết sau: Thương lượng, hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án. Trong trường hợp thương lượng, hòa giải không thành thì các bên sẽ phải cân nhắc đến việc giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán là Trọng tài hoặc Tòa án. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày một số đặc điểm của hai phương thức này để các bên có thêm cơ sở để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp.
1. Phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Thứ nhất, về bản chất, giải quyết tranh chấp bằng Tòa án là việc thông qua hoạt động của bộ máy tư pháp và nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra bản án, quyết định buộc các bên có nghĩa vụ thi hành, kể cả bằng sức mạnh cưỡng chế. Khi có tranh chấp xảy ra, một trong các bên có thể khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trước khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án, nguyên đơn cần xác định đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết, đồng thời cần xác định rõ các bên có thỏa thuận trọng tài hay không? Bởi lẽ, nếu các bên có thỏa thuận trọng tài nhưng vẫn khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.
Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án có thể được thực hiện theo nhiều cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm,…). Theo đó, trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì mỗi bên có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định.
Thứ ba, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án phải được thực hiện theo nguyên tắc xét xử công khai. Trừ các trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín (Điều 15 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
2. Phương thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài
Thứ nhất, phương thức Trọng tài cho phép các bên giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện, phù hợp với tâm lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phí Trọng tài thường cao hơn so với án phí. Trong trường hợp hoàn trả phí trọng tài, tùy thuộc vào quy định của từng Trung tâm trọng tài mà mức phí được hoàn trả có thể không bằng mức phí hoàn trả của Tòa án.
Thứ hai, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn cơ quan trọng tài. Nếu khởi kiện tại Tòa án thì nguyên đơn phải nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đối với trường hợp giải quyết tại Trọng tài, các bên có thể thỏa thuận về trung tâm trọng tài hoặc trọng tài viên bất kỳ để giải quyết tranh chấp. Ví dụ: Các bên tranh chấp đều có trụ sở kinh doanh tại thành phố Hà Nội, do vậy để thuận tiện cho việc giải quyết tranh chấp, các bên đã thống nhất lựa chọn trung tâm trọng tài tại thành phố Hà Nội để giải quyết.
Thứ ba, về tính bảo mật thông tin: Việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được thực hiện theo nguyên tắc không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Do vậy, việc xét xử kín tại Trọng tài có thể giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hoạt động kinh doanh của các bên tranh chấp.
Thứ tư, việc xét xử tại Trọng tài thương mại chỉ diễn ra ở một cấp xét xử, phán quyết trọng tài là chung thẩm và ràng buộc các bên. Vì vậy, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho các bên khi không phải tiếp tục giải quyết tranh chấp tại cấp phúc thẩm như tại Tòa án. Tuy nhiên, phán quyết trọng tài có thể bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm.
Với các nội dung như đã phân tích ở trên, tùy vào tình hình sản xuất, kinh doanh, các bên nên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án hoặc Trọng tài khi có tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, các bên cần đặc biệt lưu ý và ghi nhớ điều kiện tiên quyết để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại là các bên phải có thỏa thuận trọng tài, đồng thời phải đảm bảo thỏa thuận này có giá trị pháp lý và có thể thực hiện được.
Trên đây là nội dung bài viết “Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng: Lựa chọn Trọng tài hay Tòa án”. Hi vọng bài viết nêu trên hữu ích đối với những ai quan tâm đến vấn đề này.
Trân trọng,