Ngày 27/10/2022, Elon Musk – CEO của Công ty Tesla và Space X đã mua lại mạng xã hội Twitter với giá trị 44 tỷ Đô la Mỹ. Ngay sau khi trở thành ông chủ của Twitter, Elon Musk đã tiến hành sa thải 3500 nhân viên, và dự định sa thải tiếp 75% nhân viên còn lại của Twitter. Hành động của ông chủ Tesla liệu có trái với pháp luật của Hoa Kỳ, cũng như quy định của đạo luật WARN hay không? Hãy tìm hiểu cùng TNPT.

1. WARN là gì

WARN là viết tắt của cụm từ Worker Adjustment and Retraining Notification Act. Đây là một đạo luật liên bang của Hoa kỳ ra đời từ năm 1998 với mục đích yêu cầu người sử dụng lao động phải thông báo trước cho người lao động về việc đóng cửa hoặc sa thải nhân viên nhằm mục đích bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước nguy cơ mất việc làm.

Do WARN là một đạo luật liên bang, do đó các bang khác nhau của Hoa Kỳ có thể ban hành các đạo luật WARN của bang để phù hợp với pháp luật của từng bang. Đối với vụ việc của Twitter, vì California là bang đặt trụ sở chính của Twitter nên đạo luật WARN của bang California có thể sẽ được áp dụng (“California WARN”)

2. Quy định của California WARN

California WARN quy định rằng người sử dụng lao động phải thông báo trước 60 ngày bằng văn bản cho người lao động trước khi tiến hành các biện pháp cắt giảm từ 100 người lao động trở lên. Hành động sa thải hàng loạt được định nghĩa là sa thải số lượng nhân viên bằng ít nhất 33% tổng lực lượng lao động mà người sử dụng lao động sở hữu. Nếu vi phạm quy định này, Twitter sẽ phải đối mặt với điều khoản phạt 500 đô la Mỹ với mỗi ngày vi phạm.

Đối với trường hợp này, nếu Elon Musk thực sự tiến hành sa thải 3500 nhân viên ngay trong tháng 10/2022 thì có thể vi phạm quy định của California WARN.

Tuy nhiên, có nhiều lý do để chúng ta tin rằng Elon Musk đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống này, vì đây không phải lần đầu tiên ông chủ Tesla vướng vào những cáo buộc liên quan đến việc sa thải lao động.

3. Lý do Elon Musk có thể không vi phạm California WARN

Một trong những quy định cơ bản của California WARN là việc nếu một doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với 50 người lao động trở lên trong một ngày thì doanh nghiệp đó phải thông báo trước tối thiểu 60 ngày hoặc trả lương cho người lao động trong 60 ngày.

Như vậy, trong trường hợp Elon Musk đã thông báo với 3500 nhân viên về việc họ bị sa thải nhưng sau đó vẫn tiếp tục trả lương cho họ đủ 60 ngày công thì sẽ không bị coi là hành vi vi phạm WARN. Hoặc một trường hợp khác, khi 3500 nhân viên nhận được thông báo sa thải, nhưng 60 ngày sau các nhân viên đó vẫn chưa bị sa thải và tiếp tục làm việc và hưởng lương tại Twitter, thì sau đó Twitter nghiễm nhiên có quyền đột ngột sa thải các nhân viên này vì họ đã thực hiện đúng nghĩa vụ thông báo trước đó tổi thiểu 60 ngày.

Như vậy, việc Elon Musk sa thải các nhân viên Twitter nếu dựa trên đúng các nguyên tắc theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ thì về lý thuyết, Elon Musk có thể sa thải bất cứ nhân viên nào ông muốn, miễn là việc sa thải đó tuân thủ các quy định của pháp luật và không trái với California WARN.

Lời nói và hành động của Elon Musk thường không đi đôi với nhau, điều này đã được thể hiện rõ ràng ở cách Elon Musk mua lại Twitter khi vị tỉ phú này nhiều lần từ bỏ thỏa thuận nhưng cuối cùng đã quyết định mua lại trang mạng xã hội lớn thứ 2 thế giới. Do đó, việc phát ngôn của Elon Musk về việc sa thải hàng loạt các nhân viên Twitter đang gây xôn xao dư luận tại Hoa Kỳ nếu không đi kèm với những hành động vi phạm cũng sẽ không gây bất cứ thiệt hại nào đến nhân viên tại Twitter và tất nhiên sẽ không vi phạm các quy định của California WARN.

Phía sau từng hành động tưởng chừng như bất thường Elon Musk chắc chắn đã được đảm bảo bởi đội ngũ pháp chế và luật sư của ông, và có thể mọi hành động bất thường cũng sẽ có những lý do nhất định để mang lại lợi ích cho vị tỷ phú này.

Ngoài ra, không thể không đề cập về việc quan hệ lao động trên tinh thần tự nguyện (“At-will) được áp dụng khắp lãnh thổ Hoa Kỳ (ngoại trừ bang Montana). Theo đó, người sử dụng lao động tại Hoa Kỳ có quyền chấm dứt hợp đồng với nhân viên bất cứ lúc nào vì bất kỳ lý do gì, (ngoại trừ các lý do pháp luật cấm hoặc không có lý do) mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tương tự, người lao động cũng được tự do chấm dứt mối quan hệ lao động với người sử dụng lao động bất cứ lúc nào, vì bất kỳ lý do gì hoặc thậm chí không vì lý do gì mà không phải chịu bất cứ hậu quả pháp lý nào.

Do đó, chúng tôi cho rằng Elon Musk và những nhân viên làm việc cho ông ta đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng với nhau theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những tuyên bố sa thải nhân viên của của Elon Musk đơn giản là gây được sự chú ý của dư luận hơn so với những tuyên bố nghỉ việc của nhân viên Twitter. Chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn về quan hệ lao động trên tinh thần tự nguyện (“At-will) của pháp luật Hoa Kỳ vào một bài viết khác.

Trên đây là bài viết của TNTP phân tích về việc Elon Musk sa thải nhân viên của Twitter và quy định của đạo luật WARN, hi vọng bài viết có ích với các độc giả.

Trân trọng,