Trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, việc tiếp xúc và hợp tác đối với những doanh nghiệp nước ngoài trở nên rất phổ biến. Đây là một điều tất yếu trong xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, đi kèm với những thuận lợi là những rủi ro và tranh chấp. Một trong số đó là phát sinh khoản nợ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những khó khăn khi doanh nghiệp nước ngoài thu hồi nợ mà bên nợ là doanh nghiệp Việt Nam để các doanh nghiệp nước ngoài có thêm kinh nghiệm khi gặp những tình huống tương tự.

1. Doanh nghiệp nước ngoài không thể thu hồi nợ thông qua các công ty thu hồi nợ tại Việt Nam

Tại nhiều quốc gia khác, pháp luật cho phép dịch vụ thu hồi nợ được hoạt động. Tuy nhiên tại Việt Nam, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 thì dịch vụ “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” đã hoàn toàn bị cấm, do đó hiện nay chỉ có các Công ty luật có thể hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài thu hồi các khoản nợ để đảm bảo việc thu hồi nợ được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu thu hồi nợ mà bên nợ là doanh nghiệp Việt Nam, để quá trình thu hồi nợ hiệu quả và tiết kiệm thời gian, chi phí, các doanh nghiệp nước ngoài nên sử dụng dịch vụ pháp lý của các Công ty luật có kinh nghiệm về thu hồi nợ.

2. Việc ủy quyền cho Công ty luật tại Việt Nam có thể mất nhiều thời gian

Việc doanh nghiệp nước ngoài ủy quyền cho Công ty luật tại Việt Nam sẽ mất rất nhiều thời gian vì Giấy ủy quyền cần được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, chưa kể thời gian tiến hành Hợp pháp hóa lãnh sự đối với các tài liệu cần thiết khiến thời gian để thực hiện việc ủy quyền có thể kéo dài từ 01 đến 3 tháng.

3. Những khó khăn khi tiến hành hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu

Để ủy quyền cho Công ty luật tại Việt Nam hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam giải quyết vụ việc, doanh nghiệp nước ngoài cần gửi các tài liệu tới Công ty luật hoặc cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, để các tài liệu có giá trị pháp lý tại Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thì các tài liệu ấy bắt buộc phải được Hợp pháp hóa lãnh sự.

Tùy vào tính chất, số lượng của các tài liệu, thời gian Hợp pháp hóa lãnh sự có thể giao động từ 05 đến 07 ngày làm việc. Tuy nhiên việc thực hiện Hợp pháp hóa lãnh sự chỉ có thể được thực hiện tại các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp nước ngoài không thể tiến hành Hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu nếu quốc gia mà doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở chưa đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

4. Rất khó để gặp trực tiếp bên nợ

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nước ngoài muốn gặp trực tiếp với bên nợ tại Việt Nam luôn vấp phải nhiều rào cản. Trong đó vấn đề lớn nhất là khoảng cách địa lý. Thủ tục, chi phí đi lại giữa các quốc gia tốn kém hơn rất nhiều so với việc di chuyển trong nội địa một quốc gia. Rất khó để doanh nghiệp nước ngoài có thể gặp mặt trực tiếp bên nợ tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có trụ sở tại các nước cách xa Việt Nam như Hoa Kỳ, Đức hay Pháp,…..

Do đó, các bên chủ yếu chỉ có thể trao đổi qua các hình thức liên lạc như Điện thoại hoặc Internet. Tuy nhiên các hình thức này cũng bộc lộ nhiều hạn chế như kết nối mạng không ổn định, cuộc trao đổi không được liên tục, nếu bên nợ không hợp tác thì không thể tiến hành trao đổi được.

5. Thủ tục thanh toán quốc tế phức tạp

Theo pháp luật của Việt nam cũng như nhiều quốc gia khác, việc chuyển tiền từ Việt Nam tới quốc gia khác sẽ phải thông qua các tổ chức tín dụng có chức năng chuyển tiền liên quốc gia, và doanh nghiệp phải chứng minh được việc chuyển tiền thực hiện đúng mục đích theo pháp luật quy định. Như vậy, nếu bên nợ tại Việt Nam hợp tác thanh toán thì cũng cần thực hiện các thủ tục thanh toán đúng quy định theo pháp luật Việt Nam. Việc thanh toán này có thể mất nhiều thời gian và thủ tục rất phức tạp.

Như vậy, việc thu hồi công nợ đối với bên nợ tại Việt Nam có rất nhiều khó khăn đòi hỏi các doanh nghiệp nước ngoài cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy định pháp luật Việt Nam và có sự chuẩn bị từ đầu để hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra và chi phí thực hiện việc thu hồi nợ hiệu quả.

Trên đây là những kinh nghiệm của chúng tôi về những khó khăn của việc thu hồi nợ có yếu tố nước ngoài. Hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Dịch vụ pháp lý thu hồi nợ đối với bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài.

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm những thông tin pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư: Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com