Giải quyết tranh chấp là điều khoản xuất hiện trong hầu hết các hợp đồng kinh tế nhằm quy định hướng giải quyết cho các bên khi có tranh chấp xảy ra. Theo đó, từ điều khoản này, các bên trong hợp đồng sẽ giải quyết tranh chấp bằng các phương thức như thương lượng, hòa giải, Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Tòa án. Trong bài viết dưới đây, TNTP xin gửi đến bạn đọc một số nội dung mà doanh nghiệp cần lưu ý về điều khoản Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế.

Hợp đồng kinh tế là gì?

Hợp đồng kinh tế là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự trong hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hoá, cung ứng dịch vụ và các thỏa thuận khác có liên quan đến mục đích kinh doanh.

Tùy thuộc vào các bên ký kết mà hợp đồng kinh tế được thể hiện dưới các hình thức khác nhau như bằng lời nói, bằng văn bản hoặc các hình thức khác…

Điều khoản giải quyết tranh chấp là gì?

Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế là điều khoản quy định về các phương thức giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Đây là điều khoản bắt buộc đóng vai trò rất quan trọng và thường nằm ở vị trí gần cuối trong nội dung hợp đồng.

Theo đó, tại điều khoản này các bên sẽ thỏa thuận về các phương thức giải quyết tranh chấp như:

  • Thương lượng;
  • Hòa giải giữa các bên;
  • Giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại; hoặc
  • Khởi kiện tại Tòa án.

Doanh nghiệp cần lưu ý gì về điều khoản Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế?

Trên thực tiễn, khi ký kết các hợp đồng kinh tế, thay vì quá tập trung vào điều khoản giải quyết tranh chấp, các bên thường chú trọng vào phạm vi công việc, giá cả, thời hạn thực hiện công việc, phương thức thanh toán và thời hạn thanh toán.

Ngoài ra, xuất phát từ lý do không lường trước được hậu quả là sẽ phát sinh tranh chấp nên khi soạn thảo và ký kết hợp đồng, các bên thường xem nhẹ điều khoản giải quyết tranh chấp. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên mới xem lại điều khoản này thì trong hợp đồng lại không quy định rõ dẫn đến các bên gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Do đó, để hạn chế các vấn đề nêu trên, khi ký kết hợp đồng kinh tế, các bên cần chú trọng đến việc xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp. Đồng thời cần lưu ý những nội dung sau đây:

Thứ nhất, trong hợp đồng cần thể hiện rõ, khi có tranh chấp xảy ra thì các bên áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp nào?

Thứ hai, các bên cần thỏa thuận về thứ tự ưu tiên của các phương thức giải quyết tranh chấp. Ví dụ, các bên có thể thỏa thuận ưu tiên phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải.

Thứ ba, trường hợp lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là Trung tâm trọng tài thì cần xác định rõ tổ chức trọng tài nào, địa điểm, phân định chi phí, cam kết của các bên,…

Doanh nghiệp có thể thỏa thuận lựa chọn cả Trọng tài thương mại và Tòa án giải quyết tranh chấp hay không?

Thực tế, việc các bên vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài vừa giải quyết tranh chấp tại Tòa án là điều thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, thỏa thuận này có phù hợp với quy định của pháp luật không? Và nếu xảy ra tranh chấp, một bên khởi kiện ra Tòa án, bên còn lại yêu cầu Trọng tài thương mại giải quyết thì thẩm quyền thuộc về cơ quan nào?

Các vấn đề nêu trên đã được các nhà làm luật quy định rõ để có thể áp dụng trên thực tế một cách hợp lý nhất. Theo đó, điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế do các bên thỏa thuận. Việc đưa cả hai phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại và Tòa án vào điều khoản giải quyết tranh chấp là không trái với quy định của pháp luật.

Trường hợp một bên khởi kiện ra Tòa án, bên còn lại yêu cầu Trọng tài giải quyết thì pháp luật có quy định theo hướng ưu tiên Trọng tài thương mại. Cụ thể, nếu một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa. Nếu các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được (Điều 6 Luật Trọng tài Thương mại 2010).

Trên đây là nội dung bài viết “Điều khoản giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng kinh tế và lưu ý cho các bên” TNTP gửi đến bạn đọc. Hy vọng những chia sẻ nêu trên hữu ích đối với độc giả.

Trân trọng.